Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm

Đĩa đệm nằm giữa các xương của cột sống. Trượt đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của cột sống, nhưng sự thật là các đĩa đệm không bị "trượt" mà nó bị rách, hoặc đứt.

Khi đó, những chất dạng gel bên trong nó (nhân tủy) sẽ tràn ra ngoài. Hiện tượng này được gọi là thoát vị nhân tủy - hay thoát vị đĩa đệm. Những người ở độ tuổi từ 30 đến 50 là những người có nguy cơ bị thoát vị cao nhất do những thành phần nước và đàn hồi bên trong nhân tủy sẽ giảm đi theo tuổi.

Thoát vị đĩa đệm

Chú thích hình: những vd về bệnh của đĩa đệm

Normal Disc: đĩa đệm bình thường

Degenerated Disc: đĩa đệm bị thoái hóa

Bulging Disc: lồi đã đệm

Herniated Disc: thoát vị đĩa đệm

Thinning Disc: hẹp đĩa đệm

Disc Degeneration with Osteophyte Formation: thoái hóa đĩa đệm với sự hình thành gai xương.

Không phải tất cả các trường hợp đĩa đệm bị thoát vị đều gây ra triệu chứng cho bệnh nhân. Thật sự, nhiều người chỉ phát hiện ra mình bị thoát vị đĩa đệm sau khi chụp X quang vì một lý do không liên quan gì đến bệnh này cả.

Nếu bạn bị thoát vị đĩa đệm, bạn cần phải được điều trị phù hợp. Hãy đến gặp bác sĩ để nhận được lời khuyên và hãy đi khám bệnh nếu như bạn cảm thấy có những dấu hiệu cấp cứu sau:

  • Đau ngày càng nặng hơn
  • Đau đến mức không làm gì được.
  • Đau tay hoặc chân, yếu, tê hoặc ngứa.
  • Mấy cảm giác hoặc yếu ở vùng bàng quang hoặc hậu môn
  • Tiêu tiểu mất kiểm soát.

Để được điều trị tốt nhất, đầu tiên bạn cần phải biết nguồn gốc của vấn đề. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về thoát vị đĩa đệm và những nguyên nhân của nó. Bạn cũng sẽ được biết và những lựa chọn điều trị và những lời khuyên để phòng ngừa tránh bị tổn thương.

GIẢI PHẪU

Lưng của bạn được tạo thành từ nhiều phần. Xương sống, hay còn được gọi là cột sống, có chức năng chống đỡ và bảo vệ. Nó bao gồm 33 đốt sống. Nằm giữa các đốt sống này là các đĩa có chức năng như một tấm đệm hoặc tấm chống sốc. Mỗi đĩa được tạo thành từ các dải vòng xơ bao bên ngoài và một chất dạng gel bên trong được gọi là nhân tủy. Các đốt sống và các đĩa đệm hợp với nhau tạo thành một ống bảo vệ (ống sống) để chứa tủy sống và các dây thần kinh tủy sống ở bên trong. Các dây thần kinh này chạy xuống trung tâm của đốt sống và đi ra đến nhiều phần khác nhau của cơ thể.

Thoát vị đĩa đệm

Chú thích hình:

Herniated Disc: thoát vị đĩa đệm

Ngoài ra, lưng còn có các cơ, dây chằng, gân và các mạch máu. Cơ là các dải mô có tác dụng như là một nguồn lực tạo ra các chuyển động. Các dây chằng là những dải mô xơ mạnh, mềm dẻo nối các xương lại với nhau và gân nối cơ với xương và đĩa đệm. Các mạch máu cung cấp chất dinh dưỡng. Tất cả những thành phần trên phối hợp với nhau giúp bạn có thể di chuyển qua lại được.

Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra ở vùng thắt lưng (vùng lưng dưới) do vùng này chịu gần như toàn bộ sức nặng của cơ thể. Đôi khi, thoát vị có thể chèn ép dây thần kinh gây ra cảm giác đau lan đến những vùng khác của cơ thể. Mức độ của các cơn đau do rách, vỡ đĩa đệm thường tùy thuộc vào lượng chất thoát ra ngoài vỏ bao xơ và nó có gây chèn ép thần kinh hay không.

Cột  sống

Chú thích hình:

Ligamentum Flavum: dây chằng vàng

Facet Capsulary Ligament: dây chằng bao diện khớp

Interspinous Ligament: dây chằng gian gai

Supraspinous Ligament: dây chằng trên gai

Intertransverse Ligament: dây chằng gian mỏm ngang

Posterior Longitudinal Ligament: dây chằng dọc sau

Anterior Longitudinal Ligament: dây chằng dọc trước

TRIỆU CHỨNG

Những triệu chứng của thoát vị đĩa đệm có thể bao gồm: đau âm ỉ hoặc đau chói, co thắt cơ hoặc vọp bẻ, yếu ớt, ngứa ran hoặc đau quy chiếu.

Đau quy chiếu có nghĩa là cơn đau xuất hiện ở khu vực khác của cơ thể mà nguyên nhân lại là do đĩa đệm. Chẳng hạn như nếu bạn bị lồi hoặc thoát vị đĩa đệm ở vùng lưng dưới (cột sống thắt lưng), bạn có thể sẽ bị đau quy chiếu ở chân. Hiện tượng này còn được gọi là đau thần kinh tọa - một cơn đau nhói xuất phát từ mông đến cẳng chân, đôi khi có thể lan đến cả bàn chân. Thông thường thì chỉ bị ở một chân.

Nếu bị thoát vị đĩa đệm ở các đốt sống cổ, bạn có thể đau quy chiếu ở cẳng tay và lan đến bàn tay. Đau cẳng tay và cẳng chân do thoát vị đĩa đệm còn được gọi là bệnh rễ thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm có thể gây tiêu tiểu mất tự chủ nhưng rất hiếm gặp. Nếu xảy ra tình trạng này, bạn nên đi khám bệnh ngay lập tức

NGUYÊN NHÂN

Đau do thoát vị đĩa đệm thường là kết quả của sự hao mòn cột sống diễn ra mỗi ngày. Tuy nhiên, nó cũng có thể do tổn thương gây ra. Cơn đau đôi khi có thể là kết quả của sự đè ép các dây thần kinh do nhân tủy bị tràn ra ngoài. Thoát vị đĩa đệm có thể diễn tiến từ từ theo thời gian, phải mất vài tuần hoặc vài tháng để đạt đến mức làm cho bệnh nhân cảm thấy cần phải đi khám bệnh. Hoặc cơn đau có thể xảy ra đột ngột do nâng nhấc vật nặng không đúng cách hoặc do xoắn vặn các đĩa đệm đã bị yếu sẵn từ trước. Trong những trường hợp này, cần phải gọi bác sĩ ngay lập tức.

Có 4 giai đoạn thoát vị đĩa đệm được mô tả dưới đây:

Các giai đoạn thoát vị đĩa đệm
Các giai đoạn thoát vị đĩa đệm:
Disc Degeneration: Thoái hóa đĩa đệm
Prolapse : Sa
Extrusion: Đẩy
Sequestration: Cô lập/cách ly

  1. Thoái hóa đĩa đệm: trong giai đoạn đầu, nhân tủy bị yếu đi do những thay đổi hóa học bên trong đĩa đệm do tuổi tác. Vào giai đoạn này không xảy ra thoát vị.
  2. Sa: trong giai đoạn này, đĩa đệm sẽ bị thay đổi hình dạng hoặc vị trí. Bắt đầu hình thành chỗ lồi hoặc sa có thể bắt đầu gây cản trở tủy sống.
  3. Đẩy: trong giai đoạn này, nhân tủy có dạng gel sẽ phá vỡ bức tường của bao xơ nhưng vẫn còn nằm bên trong đĩa đệm.
  4. Cô lập/cách ly: trong giai đoạn cuối, nhân tủy sẽ phá vỡ bao xơ và đi ra ngoài đĩa đệm vào trong ống sống.

KHÁM VÀ XÉT NGHIỆM

Như bạn đã biết, thoát vị đĩa đệm có thể gây đau và cản trở những sinh hoạt hằng ngày. Khi bạn đến khám bệnh tại các chuyên gia về cột sống, các bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi và thực hiện một số biện pháp khám cũng như xét nghiệm nhằm mục đích xác định vị trí nguồn gốc cơn đau do thoát vị và lập kế hoạch điều trị giúp bạn kiểm soát được cơn đau và những triệu chứng khác ở cổ và lưng để giúp bạn hồi phục hoàn toàn.

Các bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng hiện tại và những loại thuốc mà bạn đã thử dùng để điều trị.

Những câu hỏi thông thường để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm là:

  • Cơn đau bắt đầu khi nào? Và ở đâu (cổ, ngực, giữa lưng hoặc thắt lưng)?
  • Những công việc/hoạt động gần đây của bạn?
  • Bạn đã làm gì đã đối phó với cơn đau rồi?
  • Cơn đau có lan đến những phần khác của cơ thể hay không?
  • Có yếu tố nào giúp cơn đau giảm đi hoặc làm cơn đau tăng lên hay không?

Bác sĩ sẽ khám bệnh, quan sát tư thế, phạm vi chuyển động, và tình trạng cơ thể ở cả trạng thái đứng và nằm. Những chuyển động gây đau sẽ được ghi nhận lại. Nghiệm pháp Laségue, còn được gọi là nghiệm pháp nâng chân thẳng, có thể sẽ được thực hiện. Bạn sẽ được yêu cầu nằm xuống, sau đó nhấc chân lên bằng cách co khớp hông mà đầu gối vẫn giữ thẳng. Nếu động tác này gây đau hoặc làm cho cơn đau nặng hơn có thể là biểu hiện của thoát vị đĩa đệm.

Nếu bị thoát vị đĩa đệm, bạn có thể cảm thấy cứng hoặc mất độ cong bình thường của cột sống do co thắt cơ. Các bác sĩ sẽ sờ cột sống bệnh nhân, ghi nhận độ cong và sự thẳng hàng cũng như cảm nhận sức căng của nó.

Các chuyên gia cột sống cũng có thể sẽ khám thần kinh để khảo sát phản xạ, sức cơ, những thay đổi thần kinh và mức độ lan rộng của cơn đau. Cơn đau rễ thần kinh (viêm dây thần kinh tủy sống) có thể tăng cường độ khi khu vực đó bị đè ép trực tiếp.

Các bác sĩ cũng có thể cho thực hiện một số khảo sát cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh, bạn có thể sẽ cần đến trung tâm chẩn đoán hình ảnh để thực hiện các khảo sát này. X quang có thể giúp phát hiện những đĩa đệm bị hẹp, gãy, gai xương, hoặc viêm khớp, có thể giúp loại trừ thoát vị đĩa đệm. Chụp cắt lớp điện toán cắt ngang (CT hoặc CAT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp nhìn thấy mô mềm của đĩa đệm bị lồi. Những khảo sát này giúp xác định giai đoạn và vị trí của thoát vị đĩa đệm nhờ đó bạn có thể nhận được sự điều trị thích hợp. Nếu nghi ngờ bạn bị tổn thương thần kinh, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn thức hiện điện cơ đồ (EMG - Electromyography) để đo tốc độ đáp ứng của các dây thần kinh.

Để có được chẩn đoán chính xác hơn, các bác sĩ có thể sẽ cho thêm các xét nghiệm khác như:

  • Chụp đĩa gian đốt sống: là một thủ thuật vô trùng, người ta sẽ tiêm thuốc nhuộm vào một trong những đĩa sống của bạn sau đó xem bằng cách soi huỳnh quang. Mục đích là để xác định xem đĩa nào là thủ phạm gây ra cơn đau.
  • Xạ hình xương: là kỹ thuật tạo ra hình ảnh vi tính hoặc hình phim của xương. Một lượng nhỏ chất phóng xạ được tiêm vào mạch máu sau đó đi vào tuần hoàn. Nó sẽ tích tụ bên trong xương và có thể phát hiện được bằng máy scan. Thủ thuật này giúp các bác sĩ xác định được những vấn đề của cột sống như viêm khớp, gãy, khối u, hoặc nhiễm trùng.
  • Các xét nghiệm: thông thường máu sẽ được lấy ra (qua đường tĩnh mạch) để xét nghiệm xem các tế bào máu bình thường hay bất thường. Những thay đổi hóa học của máu có thể giúp xác định những rối loạn chuyển hóa có thể góp phần gây ra đau lưng.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị thay thế và hỗ trợ

Là những phương pháp điều trị như: châm cứu, ấn huyệt và massage có thể làm giảm đau do thoát vị hoặc lồi đĩa đệm.

Điều trị thay thế có thể không chỉ giúp bạn thư giãn và hết đau mà còn có thể giúp bạn tránh phải phẫu thuật. Đối với thoát vị đĩa đệm, bạn có thể thử các phương pháp sau:

  • Châm cứu: y học Trung Hoa xưa dựa trên niềm tin rằng mọi người đều có một loại năng lượng được gọi là Khí. Khi Khí bị tắc nghẽn hoặc mất cân bằng, bạn có thể sẽ bị đau hoặc bệnh tật. Kỹ thuật châm cứu cổ truyền nhằm giải phóng các đường Khí này, hay còn được gọi là các đường kinh, bằng cách đâm những cây kim rất mỏng vào những điểm đặc biệt trên đường kinh trên người bạn. Dựa vào chẩn đoán của bạn, các bác sĩ y học cổ truyền sẽ đâm vào cơ thể bạn nhiều cây kim và để nó ở đó trong vòng từ 20-40 phút. Người ta cũng cho rằng châm cứu kích thích cơ thể tiết ra endorphin vào máu. Endorphin là chất giảm đau tự nhiên của cơ thể do đó nó cũng làm cho bạn giảm cảm giác đau. Tương tự, thuyết Cổng Kiểm Soát cũng có thể có vai trò trong hiệu quả giảm đau của châm cứu. Thuyết này cho rằng tín hiệu đau được truyền chậm từ vùng bị tổn thương đến tủy sống rồi lên não do trong cùng một lúc các dây thần kinh chỉ có thể truyền tín hiệu với một số lượng có giới hạn. Người ta cho rằng châm cứu tạo ra những tín hiệu đi nhanh hơn và làm che lấp đi những tín hiệu đau di chuyển chậm, do đó nó ngăn được cảm giác đau.
  • Ấn huyệt: ấn huyệt cũng tương tự như châm cứu. Cả 2 kỹ thuật này đều nhằm mục đích khôi phục lại dòng chảy bình thường của nguồn năng lượng của cơ thể bằng cách kích thích các điểm đặc biệt trên đường kinh. Nhưng kỹ thuật ấn huyết chỉ dùng ngón tay, bàn tay, và khuỷu tay để day ấn chứ không dùng kim như châm cứu. Ấn huyệt dành cho mọi độ tuổi nhưng không dành cho những phụ nữ đang có thai (một số huyệt có thể gây sảy thai) và những người bị tăng huyết áp.
  • Massage: khi được thực hiện thường xuyên, massage có thể làm giảm những cơn đau mạn tính ở vùng thắt lưng. Massage bao gồm những động tác đánh, xoa bóp trên lưng. Những động tác này làm tăng lưu thông máu nên cũng làm tăng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cơ. Tăng lượng máu lưu thông cũng giúp loại bỏ đi những chất thải có thể bị tích tụ theo thời gian. Tuy massage không được chứng minh là có thể điều trị được thoát vị đĩa đệm nhưng nó thường an toàn và không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, massage không phải là phương pháp dành cho những người bị loãng xương, huyết khối tĩnh mạch sâu, nhiễm trùng da, có vết thương hở, hoặc bị viêm khớp gần khu vực massage. Có hơn 100 loại kỹ thuật massage khác nhau.Ví dụ như massage kiểu Thụy Điển dùng những cú đánh dài để tác động lên lớp bề mặt của các cơ. Ngược lại, massage các lớp mô sâu bằng cách tạo áp lực trực tiếp và những cú đánh chậm để làm dịu các lớp sâu của cơ và làm giảm độ căng cơ mạn tính.

Khi bắt đầu thực hiện bất kỳ một phương pháp điều trị mới nào, hãy nói cho người điều trị của bạn biết bất kỳ vấn đề sức khỏe nào của bạn ngoài những cơn đau do thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, cũng cần nên nhớ rằng những các điều trị này sẽ cho hiệu quả cao nhất khi được phối hợp với các cách điều trị quy ước.

Nắn xương

Nắn xương là một phương pháp điều trị bảo tồn, có nghĩa là không cần phẫu thuật cũng không cần dùng thuốc. Trong những trường hợp trượt đĩa đệm thắt lưng, hầu hết các chuyên gia cột sống đồng ý rằng nên điều trị bảo tồn trước khi xem xét khả năng phẫu thuật, trừ trong trường hợp nặng. Kỹ thuật nắn xương có một lịch sử lâu đời điều trị bảo tồn thành công cho những bệnh của đĩa đệm và các kỹ thuật này cũng không phải nhằm mục đích đẩy đĩa đệm quay trở lại vị trí cũ.

Thuốc

Đĩa đệm bị thoát vị thường đè ép lên các rễ thần kinh xung quanh gây đau và phù nề. Độ nặng của triệu chứng giúp xác định loại thuốc cần dùng và có nhiều khả năng để lựa chọn. Nhưng cần phải lưu ý rằng thuốc không giúp chữa hết thoát vị đĩa đệm mà nó chỉ làm giảm đau mà thôi.

Cũng như đối với tất cả các loại thuốc khác, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Bạn thường sẽ dùng những thuốc thông dụng trước rồi sau đó mới tiến tới dùng các thuốc được kê toa nếu cần thiết. Nếu bạn vẫn cần phải giảm đau, kỹ thuật tiêm tủy sống sẽ giúp đưa thuốc thẳng đến nơi xuất phát cơn đau.

Những thuốc thông dụng:

  • Acetaminophen: chẳng hạn như Panadol, Tylenol là những thuốc phòng vệ đứng hàng đầu. Tuy nhiên, nó không dành cho tất cả mọi người. Tuy acetaminophen giúp giảm đau tốt nhưng nó không làm giảm viêm.
  • NSAID (thuốc kháng viêm không steroid) thông dụng: khác với Acetaminophen, NSAID giúp làm giảm đau và giảm viêm. Một số thuốc NSAID thường gặp là aspirin, ibuprofen (Advil) hoặc Aleve. Một số thuốc NSAID không sử dụng được đối với những người bị bệnh tim mạch hoặc loét dạ dày.

Những thuốc được kê toa:

  • NSAID được kê toa: được sử dụng nếu các loại NSAID thông dụng không có hiệu quả. Ví dụ như thuốc ức chế COX-2 (Celebrex).
  • Thuốc dãn cơ: thoát vị đĩa đệm thường đi đôi với co thắt cơ cột sống. Trong những trường hợp này, có thể bác sĩ sẽ cho bạn uống thuốc dãn cơ, chẳng hạn như thuốc Valium.
  • Corticoid đường uống: có thể giảm phù nề hiệu quả. Những loại thuốc này được cho dùng trong một thời gian ngắn do nếu dùng dài sẽ có nhiều tác dụng phụ xuất hiện. Một số ví dụ của corticoid đường uống là Decadron và methylprednisone.
  • Thuốc gây nghiện: những thuốc gây nghiện có tác dụng giảm đau như codeine hoặc morphine có tác dụng là dịu bớt những cơn đau nặng. Cũng cần lưu ý rằng có nhiều bệnh nhân sẽ trở nên dung nạp thuốc và cần phải sử dụng liều cao hơn nữa mới cho tác dụng giảm đau. Những thuốc này có tác dụng gây nghiện do đó chỉ được sử dụng dưới sự giám sát chặt chẽ.
  • Thuốc chống trầm cảm: có tác dụng chặn tín hiệu đau đi lên não và tăng hiệu quả của endorphin (là chất giảm đau tự nhiên cơ bản của cơ thể). Một lợi ích khác của thuốc là giúp bạn ngủ ngon hơn.

Tiêm tủy sống:

  • Tiêm corticoid ngoài màng cứng: corticoid có tác dụng kháng viêm làm giảm nhanh chóng những cơn đau do các dây thần kinh bị chèn ép. Do được tiêm gần các dây thần kinh tủy sống nên thuốc có thể làm giảm đau đáng kể chỉ với liều đầu tiên, nhưng cần phải mất vài ngày để có tác dụng. Thường không tiêm quá 3 lần trong 1 năm.

Cảnh báo:

Các loại thuốc thường có những tác dụng phụ mà bạn nên quan tâm. Hãy trao đổi với bác sĩ về tất cả những loại thuốc - ngay cả đối với những loại thuốc thông dụng và không cho các nguy cơ nhìn thấy được - trước khi sử dụng. Cũng cần nên nhớ rằng bạn không chỉ đơn thuần dựa vào thuốc giảm đau và tiêm tủy sống để có thể điều trị được thoát vị đĩa đệm mà cần phải phối hợp với vật lý trị liệu và tập thể dục để cho kết quả tốt nhất.

Tập thể dục

Thể dục là yếu tố quan trọng trong điều trị thoát vị đĩa đệm. Đóng vai trò chủ động trong quá trình hồi phục của mình bằng những hoạt động thể thao sẽ làm giảm đau và giúp bảo đảm cho lưng của bạn được khỏe mạnh lâu dài.

Thể dục là cách hiệu quả để làm các cơ thắt lưng mạnh hơn và vững bền hơn, ngăn những tổn thương và các cơn đau sau này. Các cơ mạnh sẽ chống đỡ được trọng lượng cơ thể và các xương - làm giảm bớt những áp lực không cần thiết đè lên cột sống.

Nhưng mặc dù bạn có cơ lưng khỏe, bạn cũng nên giảm cân để thật sự hỗ trợ cho cột sống. Mang một trọng lượng thừa đi khắp nơi sẽ làm cho các cơ lưng bị căng thẳng liên tục - cũng giống như bạn phải mang vác nặng liên tục. Giảm cân sẽ giúp giảm đau và tăng cường sức khỏe cho lưng.

Bạn không cần phải thực hiện những bài thể dục gây căng thẳng cho tim hoặc nâng nhấc vật nặng - những bài tập co duỗi đơn giản và aerobic là đủ để kiểm soát hiệu quả cơn đau của bạn. Những bài tập co duỗi như yoga và pilate có tác dụng tăng cường sức khỏe và độ mềm dỏe cùng với làm giảm những cơn đau cấp tính ở chân và vùng thắt lưng. Những bài tập aerobic trung bình như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội cũng giúp làm giảm đau.

Khi bắt đầu chương trình tập aerobic, nên khởi đầu chậm - khoảng 10 phút trong ngày đầu tiên - và tăng dần thời gian mỗi ngày. Cuối cùng, bạn có thể hướng đến mục tiêu tập 30 đến 40 phút trong 5 ngày mỗi tuần.

Tập thể dục có thể là cách thú vị để điều trị triệu chứng do thoát vị đĩa đệm. Bạn và bác sĩ có thể hợp tác với nhau để phát triển chương trình có thể theo đuổi được và giúp giảm những cơn đau của bạn. Cuối cùng, tập thể dục có thể giúp bạn cảm thấy khá hơn, thậm chí bạn có thể giảm một ít cân nặng trong quá trình này.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liêu thường đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi thoát vị đĩa đệm. Những phương pháp của nó không chỉ giúp giảm đau lập tức mà còn dạy bạn cách huấn luyện cơ thể và phòng ngừa tổn thương. Có nhiều kỹ thuật vật lý trị liệu. Trị liệu thụ động có tác dụng thư giãn cơ thể bằng cách massage các mô sâu, nóng và lạnh liệu pháp, kích thích điện (TENS) và thủy liệu pháp.

Chương trình vật lý trị liệu thường bắt đầu với trị liệu thụ động trước. Nhưng khi cơ thể đã hồi phục, bạn sẽ bắt đầu trị liệu chủ động để tăng cường sức mạnh cho cơ thể và ngăn những cơn đau tái phát.

Trị liệu thụ động

  • Massage mô sâu. Có hơn 100 loại massage nhưng massage mô sâu là lựa chọn lý tưởng nhất nếu bạn bị thoát vị đĩa đệm do nó dùng áp lực để giảm áp lực và giảm sức co của các cơ sâu xuất hiện để ngăn chuyển động các cơ ở vùng bị bệnh.
  • Liệu pháp nóng và lạnh. Cả liệu pháp nóng và lạnh đều có những lợi ích riêng của chúng và kỹ thuật viên sẽ thay đổi giữa chúng để cho kết quả tốt nhất. Các kỹ thuật viên có thể dùng nhiệt để tăng lượng máu lưu thông đến khu vực mục tiêu. Máu sẽ giúp làm lành những khu vực này bằng cách cung cấp thêm oxy và chất dinh dưỡng và loại bỏ những chất thải do co thắt cơ. Ngược lại, liệu pháp lạnh sẽ làm chậm tuần hoàn giúp làm giảm viêm, giảm co cơ và giảm đau. Bạn sẽ được đặt một túi đá lên khu vực đau, hoặc được massage đá, hoặc thậm chí dùng bình xịt fluoromethane để làm lạnh mô viêm.
  • Thủy liệu pháp. Như cái tên của nó, thủy liệu pháp là phương pháp điều trị bằng nước. Vì đây là phương pháp trị liệu thụ động nên thủy liệu pháp chỉ là ngồi vào bồn nước xoáy hoặc ngồi dưới vòi sen nước ấm. Thủy liệu pháp giúp giảm đau nhẹ nhàng và thư giãn cơ.
  • Dùng điện kích thích thần kinh qua da (TENS - Transcutaneous electrical nerve stimulation). Là phương pháp sử dụng máy tạo ra một dòng điện kích thích cơ. Tuy nghe có vẻ nặng nề nhưng nó thật sự không gây đau đớn. Các điện cực gõ vào da của bạn để gửi những dòng điện nhỏ đến các điểm trên đường đi của dây thần kinh. TENS giúp làm giảm co thắt cơ và thường được cho là có tác dụng kích thích tiết ra endorphin là chất gây giảm đau tự nhiên của cơ thể.
  • Kéo xương. Mục đích là để làm giảm hiệu quả của trọng lực lên cột sống. Bằng cách kéo nhẹ nhàng các xương ra xa nhau, mục đích là nhằm làm giảm thoát vị đĩa đệm. Phương pháp này cũng tượng tự như hiện tượng chỗ lốp xe ôtô bị xẹp "biến mất" khi bạn đặt cái kích ở phía dưới xe để giải phóng áp lực khỏi lốp. Có thể thực hiện kéo xương ở cột sống cổ hoặc cột sống thắt lưng.

Trị liệu chủ động

Trị liệu chủ động có mục đích nhắm vào sự mềm dẻo, tư thế, sức mạnh, độ ổn định thân người và chuyển động khớp. Nó không chỉ giúp hạn chế những cơn đau tái phát mà còn có lợi ích cho sức khỏe toàn diện của bạn nữa.

  • Ổn định thân người. Nhiều người không nhận ra tầm quan trọng của một thân người khỏe đối với sức khỏe của cột sống. Các cơ thân (cơ bụng) giúp các cơ lưng hỗ trợ cho cột sống. Khi các cơ này yếu, nó sẽ tạo thêm áp lực cho các cơ lưng. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ dạy bạn những bài tập để ổn định cơ thân giúp lưng vững vàng hơn.
  • Độ mềm dẻo. Học những kỹ thuật duỗi và uốn thích hợp sẽ chuẩn bị cho bạn bước vào các bài tập aerobic và những bài tập nặng. Ngoài ra nó còn giúp cơ thể di chuyển dễ dàng hơn không còn cứng nhắc nữa.
  • Thủy liệu pháp. Ngược với thủy liệu pháp trong trị liệu thụ động, thủy liệu pháp chủ động có thể là tập aerobics dưới nước giúp cơ thể tránh được những áp lực không cần thiết.
  • Tăng sức mạnh của cơ. Các cơ mạnh là một hệ thống hỗ trợ tốt cho cột sống và giúp chịu đựng những cơn đau tốt hơn.

Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ dạy bạn cách luyện tập và làm lưng mạnh hơn để ngăn những cơn đau trong tương lai. Họ cũng sẽ dạy bạn những nguyên tắc tự chăm sóc bản thân để giúp bạn hiểu được cách tốt nhất để điều trị triệu chứng của mình. Mục tiêu cuối cùng đối với bạn là phát triển kiến thức để duy trì một cuộc sống không có sự xuất hiện của những cơn đau. Điều cơ bản là bạn học các tập luyện sau khi đợt điều trị chính thức kết thúc. Nếu không thực hiện đầy đủ những bài học đã được hướng dẫn trong chương trình vật lý trị liệu, bạn có thể sẽ không thấy được hiệu quả lâu dài của nó.

Phẫu thuật

Mặc dù hầu hết bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đáp ứng tốt đối với những cách điều trị không cần phẫu thuật nhưng một số trường hợp vẫn đòi hỏi phải được phẫu thuật. Nói chung, phẫu thuật chỉ nên được xem xét sau vài tháng điều trị bằng những cách khác. Nhiều phương pháp phẫu thuật có thể thực hiện bằng những kỹ thuật xâm lấn tối thiểu - có nghĩa là sẽ có ít những vết cắt và xâm nhập vào cơ thể hơn. Những kỹ thuật này cho những vết cắt nhỏ, thời gian lưu lại bệnh viện ngắn, ít đau sau phẫu thuật và hồi phục nhanh hơn.

Phẫu thuật thường được sử dụng nhất là cắt bỏ đĩa đệm. Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy ra toàn bộ hoặc một phần đĩa gian đốt sống bị tổn thương. Nếu vùng tổn thương ở cổ, thủ thuật thường được thực hiện từ phía trước. Đôi khi, phẫu thuật viên có thể tạo ra nhiều không gian hơn cho đĩa đệm và thần kinh bằng cách cắt bỏ phần xương bao quanh dây thần kinh. Thủ thuật này được gọi là thủ thuật cắt bỏ lá đốt sống.

Gần đây, các bác sĩ ngoại khoa thực hiện cắt bỏ đĩa đệm bằng nhiều kỹ thuật ít xâm lấn hơn (đôi khi còn được gọi là kỹ thuật cắt bỏ đĩa đệm vi phẫu, lỗ nhỏ, xâm lấn tối thiểu hoặc dưới da). Ở những kỹ thuật này, các bác sĩ thực hiện toàn bộ quá trình phẫu thuật qua những vết rạch rất nhỏ hoặc qua ống giúp đưa một camera nhỏ và những dụng cụ phẫu thuật đặc biệt vào bên trong. Đôi khi đĩa đệm có thể được thay thể bởi đĩa đệm nhân tạo, thường gặp nhiều ở cổ hơn so với vùng thắt lưng.

Đôi khi cần phải thực hiện nhiều kỹ thuật khác nhau để làm giảm đau. Những kỹ thuật mổ khác bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm cột sống cổ từ phía trước và nối lại. Thủ thuật này tiếp cận cột sống cổ qua đường rạch nhỏ ở phía trước cổ. Đĩa gian sống sẽ được lấy ra và thay thể bằng một nút xương nhỏ sau một khoảng thời gian nó sẽ nối các đốt sống lại với nhau.
  • Cắt thân đốt sống cổ. Là thủ thuật loại bỏ một phần đốt sống và những đĩa đệm sát liền nó để giải áp cho thân đốt sống cổ và các dây thần kinh sống. Mảnh ghép xương, trong một số trường hợp được làm bằng mảnh kim loại và đinh vít, được lắp vào để làm vững chắc cột sống.
  • Tạo hình bản sống. Là thủ thuật tiếp cận cột sống cổ từ phía sau cổ. Ống sống sau đó sẽ được dựng lại để tạo ra nhiều khoảng trống hơn cho tủy sống.
  • Nối ống sống. Thủ thuật này thường bao gồm những dụng cụ và mảnh ghép xương để làm vững chắc cột sống. Những dụng cụ bao gồm: khung, tấm, đinh vít và ống. Có nhiều loại vật liệu ghép xương khác nhau bao gồm: xương của bệnh nhân (tự ghép), có người hiến tặng hoặc là protein tạo hình xương. Thủ thuật này còn có thể bao gồm những thủ thuật khác như cắt bỏ đĩa đệm hoặc cắt bỏ bản sống.
  • Phẫu thuật cắt bản sống. Là phẫu thuật dùng để điều trị hẹp ống sống bằng cách làm giảm áp lực lên tủy sống. Một phần của bản sống được lấy ra hoặc được cắt xén để làm rộng ống sống và tạo ra nhiều không gian hơn cho các dây thần kinh tủy sống.

Nếu bác sĩ yêu cầu phẫu thuật, luôn phải hỏi lý do của cuộc phẫu thuật, kết quả có thể mong muốn đạt được và những biến chứng có thể xảy ra. Không nên ngại hỏi về lựa chọn thứ hai nếu được yêu cầu phẫu thuật vì đó là quyền của bạn. Bác sĩ có thể sẽ chuyển bạn đến các bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá lại.

Trước khi phẫu thuật

Phẫu thuật cột sống luôn phải được thực hiện nghiêm túc. Do đó, sẽ là điều tốt nếu bạn đang ở trong tình trạng thể chất tốt nhất cho cuộc phẫu thuật. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích:

  • Ăn đúng cách. Dinh dưỡng tốt là bí quyết giúp hệ miễn dịch được khỏe mạnh. Ăn một bữa ăn cân bằng và uống thêm vitamin hỗ trợ trong tuần trước phẫu thuật. Nhờ vậy có thể giúp bạn tránh nguy cơ nhiễm trùng.
  • Tập thể dục. Cơ yếu và hệ tim mạch có sức chịu đựng thấp làm cho sự hồi phục sau phẫu thuật trở nên khó khăn hơn. Hãy trao đổi với bác sĩ về cách bắt đầu chương trình luyện tập để đạt được tình trạng sức khỏe tốt trước và sau phẫu thuật cột sống. Nếu bạn đã luyện tập thể dục thường xuyên, hãy bảo đảm rằng bác sĩ đồng ý với những bài tập của bạn và cần phải duy trì nó.
  • Giảm cân. Nếu bạn bị thừa cân, bạn nên làm cho mình gầy bớt đi trước phẫu thuật. Do trọng lượng cơ thể càng nhiều thì cột sống sẽ càng bị đè ép nên sẽ làm chậm quá trình hồi phục và tăng cảm giác đau sau phẫu thuật hơn. Nếu bạn cần phải giảm trên 12 kg trước phẫu thuật, hãy hỏi bác sĩ về phương pháp an toàn để thực hiện.
  • Không hút thuốc. Nếu bạn là người hút thuốc, được khuyên bỏ thuốc có thể là điều cuối cùng mà bạn muốn nghe. Tuy nhiên, đó lại là bước quan trọng nhất bạn có thể thực hiện để bảo đảm cuộc phẫu thuật được an toàn và thành công. Bỏ thuốc ít nhất 1 tháng trước khi phẫu thuật sẽ làm giảm nguy cơ gặp những biến chứng nặng như gặp vấn đề với thuốc mê và viêm phổi sau phẫu thuật. Cuối cùng, những bệnh nhân bỏ thuốc cũng tăng khả năng phẫu thuật cột sống thành công.

Đau luôn là nguyên nhân gây lo lắng. Để có thể hồi phục và không bị đau, hãy theo kế hoạch điều trị của bác sĩ đã vạch ra. Bảo đảm tái khám thường xuyên và báo với bác sĩ nếu bạn không cảm thấy khỏe hơn.

Theo SpineUniverse - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases