Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Thai kỳ

Thai  kỳ

Thai kỳ bắt đầu khi trứng được thụ tinh với tinh trùng, lớn lên bên trong tử cung của phụ nữ và phát triển thành em bé. Ở loài người, quá trình này kéo dài khoảng 264 ngày, tuy nhiên các bác sĩ sản khoa lại xem thai kỳ là giai đoạn có thời điểm bắt đầu từ lần có kinh cuối cùng, do đó nó kéo dài khoảng 280 ngày (40 tuần).

  • Các bác sĩ sẽ sử dụng một số thuật ngữ để mô tả về cái thai của phụ nữ. Dưới đây là một số định nghĩa có thể có ích cho bạn:
    • Thai trong tử cung: là một thai bình thường xuất hiện trong tử cung khi trứng đã được thụ tinh làm tổ trong tử cung và phát triển thành phôi.
    • Phôi: là thuật ngữ chỉ trứng đã được thụ tinh và đang phát triển trong vòng 12 tuần đầu tiên của thai kỳ.
    • Thai: là thuật ngữ chỉ phôi đang phát triển sau tuần thứ 12 của thai kỳ.
    • Beta-hCG (beta human chorionic gonadotropin): là loại hormon được nhau thai tiết ra và có thể được đo để xác định sự hiện diện và sự phát triển của thai. Nước tiểu và máu có thể được đem đi làm xét nghiệm để kiểm tra xem có sự hiện diện của loại hormon này hay không, và nó chính là loại hormon được dùng để đo trong các loại thử thai ở nhà. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính có nghĩa là bạn đang có thai; tuy nhiên, xét nghiệm vẫn có thể cho kết quả dương tính trong vòng 6, 7 tuần sau khi sinh hoặc sau khi sẩy thai.
    • Tam cá nguyệt: khoảng thời gian mang thai có thể được chia ra làm 3 giai đoạn được gọi là tam cá nguyệt (mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 3 tháng). Mỗi tam cá nguyệt sẽ xảy ra những sự kiện và dấu hiệu phát triển riêng biệt. Chẳng hạn như trong tam cá nguyệt thứ nhất sẽ diễn ra sự hình thành của các hệ cơ quan khác nhau.
    • Ngày dự sanh: là ngày sinh được ước lượng bằng cách cộng thêm 280 ngày sau ngày đầu tiên của lần hành kinh cuối cùng.
  • Các thai phụ và bác sĩ sản của họ sẽ phải cùng hợp tác với nhau để theo dõi thai nhằm phòng ngừa một số bệnh trong quá trình phát triển của nó hoặc điều trị sớm các bệnh này, bao gồm một số bệnh sau:
    • Thai kỳ nguy cơ cao: nếu một phụ nữ dễ bị biến chứng khi mang thai, thai kỳ của cô ta sẽ được gọi là thai kỳ có nguy cơ cao. Chẳng hạn như thai kỳ ở những phụ nữ bị đái tháo đườngtăng huyết áp. Những biến chứng liên quan đến tuổi tác có thể xảy ra ở những thai phụ dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi, hoặc những phụ nữ đã được điều trị vô sinh, hoặc những thai kỳ có được do những kỹ thuật trợ sinh.
    • Thai lạc chỗ: là tình trạng mang thai nhưng trứng không làm tổ ở tử cung mà ở một vị trí khác. Đây có thể là một tình trạng gây đe dọa mạng sống. Thai lạc chỗ phải được chẩn đoán sớm để tránh gây tổn thương vòi trứng và để ngăn ngừa những biến chứng nặng hoặc tử vong. Nó còn được gọi là thai trong vòi trứng (nếu trứng làm tổ ở vòi trứng) hoặc thai ngoài tử cung.
    • Bất túc cổ tử cung hoặc sinh non: là tình trạng cổ tử cung bị dãn ra và mỏng đi trước khi thai đủ trưởng thành. Bất túc cổ tử cung có thể gây sẩy thai và sinh non trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ.
    • Tiền sản giật/sản giật: Tiền sản giật là một bệnh hệ thống có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan khác nhau trong cơ thể. Những ành hưởng trên mạch máu làm huyết áp tăng lên ở những phụ nữ đang mang thai, làm thay đổi chức năng của thận, phù nề khắp cơ thể, và thay đổi tính chất hóa học của máu và các phản xạ thần kinh. Nếu không điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến sản giật, là một bệnh rất nặng có thể dẫn đến co giật, hôn mê, và thậm chí là tử vong.
    • Đa thai (sinh đôi, sinh ba): những trường hợp song thai có nguy cơ bị sinh non gấp 2 lần những trường hợp chỉ sinh một. Tỷ lệ bị sinh non thậm chí còn cao hơn ở những trường hợp sinh ba và sinh tư. Tiền sản giật cũng xảy ra nhiều gấp 3 đến 5 lần ở những trường hợp đa thai.

TAM CÁ NGUYỆT THỨ NHẤT - BA THÁNG ĐẦU

Ba tháng đầu thai kỳ

Những thay đổi ở cơ thể mẹ

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ cơ thể sẽ trải qua nhiều thay đổi. Do cơ thể phải điều chỉnh để thích nghi với sự phát triển của em bé, bạn có thể sẽ bị buồn nôn, mệt mỏi, đau lưng, thay đổi cảm xúc thất thường, và stress. Chúng đều là những biểu hiện bình thường.

Hầu hết những sự khó chịu này sẽ biến mất trong quá trình phát triển của thai. Và một số phụ nữ có thể không cảm thấy bất cứ sự khó chịu nào cả. Nếu bạn đã từng có thai trước đây, bạn có thể cảm thấy sự khác biệt trong khoảng thời gian này. Cũng giống như mỗi phụ nữ mang thai đều cảm thấy khác nhau, chính bản thân từng người phụ nữ cũng cảm thấy sự khác nhau ở những lần mang thai khác nhau.

Khi cơ thể bạn thay đổi, bạn có thể cần phải thay đổi những sinh hoạt hằng ngày bình thường của mình. Dưới đây là một số thay đổi hoặc triệu chứng thường gặp trong 3 tháng đầu thai kỳ:

Mệt mỏi

Nhiều thai phụ sẽ cảm thấy mệt mỏi trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, bạn không nên lo lắng vì đây chỉ là hiện tượng bình thường. Đây là cách cơ thể thông báo với bạn rằng nó cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Sau hết, cơ thể bạn đang phải làm việc rất cực nhọc để phát triển cả một sinh thể mới.

Hãy thử làm những cách sau để giảm mệt mỏi:

  • Ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm, và chợp mắt một chút vào ban ngày khi có cơ hội.
  • Khi cảm thấy mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi và thư giãn.
  • Bắt đầu ngủ nghiêng người qua bên trái để làm giảm áp lực đè lên các mạch máu lớn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi. Nếu bạn bị tăng huyết áp khi mang thai, thì việc nằm ngủ nghiêng trái thậm chí còn trở nên quan trọng hơn nữa.
  • Nếu bạn cảm thấy stress, hãy cố gắng tìm cách để thư giãn.

Buồn nôn và nôn

Thường được gọi là ốm nghén, triệu chứng buồn nôn và nôn rất thường gặp trong giai đoạn đầu mang thai. Mặc dù bạn sẽ cảm thấy có vẻ như triệu chứng này kéo dài mãi mãi, nhưng nó thường sẽ hết sau tam cá nguyệt thứ nhất.

Hãy thử làm những cách sau để phòng ngừa và làm dịu triệu chứng buồn nôn:

  • Chia bữa ăn ra làm nhiều bữa nhỏ (6 đến 8 bữa một ngày) chứ không nên ăn 3 bữa lớn. Tránh những thức ăn có chất béo, đồ chiên hoặc có nhiều gia vị.
  • Ăn những loại snack tinh bột, chẳng hạn như bánh mì nướng, bánh quy mặn, hoặc những loại ngũ cốc khô khi bạn cảm thấy buồn nôn. Để một ít cạnh giường và ăn chúng trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn vào nửa đêm, hãy lấy một ít để ăn. Cũng là một ý hay nếu bạn muốn mang những loại snack này bên cạnh mình suốt ngày để đề phòng trường hợp buồn nôn.
  • Uống các loại nước carbonate giữa các bữa ăn.
  • Hãy hỏi bác sĩ về việc thay đổi các loại vitamin đang sử dụng trước khi sinh nếu như có vẻ như nó làm bạn cảm thấy buồn nôn nhiều hơn. Đôi khi uống những loại vitamin này vào một thời điểm khác (vào buổi tối chứ không phải buổi sáng) cũng có thể có kết quả.
  • Hãy hỏi bác sĩ về việc dùng vitamin B6 để giảm buồn nôn nếu thay đổi chế độ ăn vẫn không làm thuyên giảm triệu chứng này.

Nếu bạn cho rằng bạn bị nôn quá nhiều, hãy gọi cho bác sĩ. Nếu bạn bị mất quá nhiều dịch, bạn có thể bị thiếu nước. Tình trạng thiếu nước có thể rất nguy hiểm cho bạn và cho thai nhi.

Ở một số phụ nữ, triệu chứng buồn nôn trong 3 tháng đầu thai kỳ nặng đến mức họ trở nên bị suy dinh dưỡng và thiếu nước. Những phụ nữ này có thể gặp một tình trạng được gọi là nôn nghén (HG - Hyperemesis gravidarum). Nôn nghén là tình trạng buồn nôn liên tục và/hoặc nôn 6,7 lần mỗi ngày trong 3 đến 4 tháng đầu thai kỳ.

Nôn nghén làm các thai phụ không uống đủ nước và ăn đủ thức ăn để khỏe mạnh được. Những thai phụ nôn nghén bị mất hơn 5% cân nặng so với trước khi sinh, bị những bệnh về dinh dưỡng và những bệnh về cân bằng điện giải của cơ thể. Tình trạng nôn và buồn nôn kéo dài cũng có thể gây khó khăn cho các thai phụ khi đi làm việc hoặc làm những việc thường ngày.

Nhiều thai phụ bị nôn nghén có thể cần phải nhập viện để được cung cấp dịch và chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Thông thường, những thai phụ này sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe hơn vào khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ. Những một số phụ nữ sẽ nôn và cảm thấy buồn nôn trong suốt thai kỳ.

Đi tiểu nhiều

Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, có thể bạn sẽ phải đi vào toilet liên tục do tử cung đang phát triển đè lên bàng quang gây tiểu nhiều.

Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn chú ý thấy đau, rát, hoặc chảy mủ hoặc máu trong nước tiểu. Bạn có thể bị nhiễm trùng đường niệu và cần phải được điều trị.

Tăng cân

Trong vòng 3 tháng đầu, chỉ số cân nặng của bạn sẽ tăng lên một ít, khoảng nửa kg mỗi tháng.

Những thay đổi ở thai nhi

Vào cuối tam cá nguyệt thứ nhất, thai nhi có chiều dài khoảng 7,6 cm và nặng khoảng 14,17 gr. Hai mắt di chuyển lại gần nhau để vào vị trí của chúng và tai cũng ở đúng chỗ của nó. Gan tạo ra mật và thận tiết nước tiểu vào bàng quang. Mặc dù có thể bạn không cảm thấy thai nhi cử động nhưng thật chất là nó đang cử động ở bên trong khi có người ấn vào bụng mẹ.

Đi khám bệnh

Trong những tháng đầu của thai kỳ, việc đi khám bệnh thường xuyên (chăm sóc trước sinh) đặc biệt quan trọng. Hãy hợp tác với bác sĩ để cùng chăm sóc thai, cố gắng đi khám tất cả các lần hẹn vì tất cả chúng đều rất quan trọng.

Trong lần khám thai đầu tiên, các bác sĩ hoặc y tá có thể thực hiện một số việc sau:

  • Khai thác những thông tin về sức khỏe của bạn bao gồm những bệnh đã mắc, những cuộc phẫu thuật đã trải qua hoặc những lần mang thai trước đây.
  • Khai thác những thông tin về sức khỏe của gia đình bạn.
  • Khám lâm sàng đầy đủ.
  • Khám khung chậu và làm Pap test.
  • Kiểm tra huyết áp, nước tiểu, và cân nặng
  • Xác định ngày dự sanh.
  • Trả lời những thắc mắc của bạn.

Những xét nghiệm và thủ thuật được làm trong 3 tháng đầu

Để kiểm tra một số bệnh lý hoặc di truyền, bạn có thể cần phải thực hiện một số xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu, nước tiểu, cấy vi khuẩn, hoặc siêu âm trong 3 tháng đầu. Những xét nghiệm thường được đề nghị nhất trong 3 tháng đầu bao gồm:

Khảo sát lớp mờ vùng gáy

Khảo sát lớp mờ vùng gáy

Là một loại khảo sát mới có thể thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 14 của thai kỳ. Đây là cách dùng siêu âm và xét nghiệm máu để tính toán nguy cơ bị một số dị dạng bẩm sỉnh. Các bác sĩ sử dụng siêu âm để kiểm tra độ dày của vùng phía sau cổ thai nhi. Họ cũng xét nghiệm máu để xác định nồng độ protein được gọi là protein huyết thanh liên quan đến thai kỳ và hormon gonadotropin ở màng đệm người (hCG). Các bác sĩ sẽ dùng thông tin này để xác định xem thai nhi bình thường hay có nguy cơ bị dị dạng bẩm sinh cao hơn bình thường.

Trong một nghiên cứu quan trọng gần đây, khảo sát lớp mờ vùng gáy có thể phát hiện ra được 87% trường hợp bị hội chứng Down khi thực hiện vào tuần thứ 11 của thai kỳ. Nếu khảo sát lớp mờ vùng gáy đi kèm với một xét nghiệm máu khác được thực hiện vào tam cá nguyệt thứ hai (xét nghiệm tầm soát huyết tương mẹ), sẽ phát hiện ra được 95% thai nhi bị hội chứng Down.

Cũng giống như mọi loại khảo sát khác, kết quả khảo sát này đôi khi cũng có thể sai sót. Khoảng 5% phụ nữ được khảo sát cho kết quả thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh nhưng thật sự thì chúng vẫn khỏe mạnh. Hiện tượng này được gọi là dương tính giả. Để biết chắc chắn thai nhi có bị dị tật bẩm sinh hay không, sau khi thực hiện khảo sát này cần phải làm thêm các khảo sát chẩn đoán chẳng hạn như xét nghiệm lấy mẫu nhung mao màng đệm hoặc chọc ối.

Hiện nay khảo sát lớp mờ vung đáy chưa được sử dụng rộng rãi. Nếu bạn có hứng thú với khảo sát này, hãy trao đổi với bác sĩ khám cho mình. Nếu bác sĩ không thể thực hiện được, họ có thể gửi bạn đến những bác sĩ khác có khả năng. Khảo sát này cho phép các bà mẹ phát hiện ra sớm những vấn đề tiềm tàng của thai nhi và có thể giúp quyết định khi nào cần phải thực hiện các khảo sát theo dõi.

Xét nghiệm lấy mẫu nhung mao màng đệm

Xét nghiệm lấy mẫu nhung mao màng đệm được thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 10 đến 12 của thai kỳ. Khi thực hiện, các bác sĩ đâm kim xuyên qua bụng và luồn catheter qua cổ tử cung để chạm đến nhau. Sau đó, các bác sĩ sẽ lấy một mẫu các tế bào từ nhau. Các chuyên gia sẽ sử dụng mẫu này để tìm những bất thường trên nhiễm sắc thể của thai nhi. Xét nghiệm này không thể phát hiện được bệnh hở ống thần kinh. Khoảng 1/200 phụ nữ bị sẩy thai khi thực hiện xét nghiệm này.

TAM CÁ NGUYỆT THỨ HAI - BA THÁNG GIỮA

Ba tháng giữa thai kỳ

Những thay đổi ở cơ thể mẹ

Hầu hết các thai phụ cảm thấy tam cá nguyệt thứ hai trôi qua nhẹ nhàng hơn tam cá nguyệt đầu tiên nhưng cũng cần phải được thông tin đầy đủ về thai kỳ trong những tháng này.

Bạn có thể thấy những triệu chứng như nôn ói và mệt mỏi biến mất. Nhưng những thay đổi khác, gây chú ý hơn của cơ thể có thể xuất hiện. Bụng của bạn sẽ lớn ra trong lúc bạn tiếp tục tăng cân và em bé tiếp tục lớn. Và trước khi tam cá nguyệt này kết thúc, bạn sẽ cảm thấy em bé bắt đầu chuyển động.

Bạn sẽ có thể cảm thấy nhiều cơn đau nhức từ tam cá nguyệt thứ nhất tiếp tục kéo dài đến giai đoạn này.

Một số triệu chứng sau có thể xuất hiện lần đầu tiên vào tam cá nguyệt thứ hai:

  • Đau ở bụng, háng, và bắp đùi
  • Đau lưng
  • Khó thở
  • Nổi vân da
  • Thay đổi ở da
  • Ngứa ran ở bàn và ngón tay
  • Ngứa ở bụng, lòng bàn tay, và lòng bàn chân. Hãy đến gọi cho bác sĩ nếu bạn bị nôn ói, ăn mất ngon, vàng da, hoặc mệt mỏi kèm với ngứa ngáy. Đây có thể là những dấu hiệu của một bệnh gan nặng được gọi là ứ mật thai kỳ.

Tăng cân

Mọi thai phụ đều tăng cân ở những mức độ khác nhau. Trung bình, một thai phụ bình thường có thể tăng khoảng 0,5kg mỗi tuần, hoặc 1,5 đến 2 kg mỗi tháng trong ba tháng giữa thai kỳ.

Những thay đổi ở thai nhi

Vào cuối tam cá nguyệt thứ 2, thai nhi nặng khoảng 0,8 kg và dài khoảng 33 cm kèm theo sự phát triển của ngón tay, ngón chân, lông mi, và lông mày. Trong khoảng tháng thứ 5, bạn có thể cảm thấy thai nhi chuyển động. Vào cuối tam cá nguyệt này, toàn bộ những cơ quan cơ bản của thai nhi như tim, phổi và thận đều được hình thành.

Những xét nghiệm và thủ thuật

Trong tam cá nguyệt thứ hai, bạn nên tiếp tục đến gặp bác sĩ để được chăm sóc thai kỳ. Bạn nên đến khám thai mỗi tháng 1 lần cho đến cuối tam cá nguyệt này.

Vào tam cá nguyệt thứ hai, các bác sĩ có thể dùng siêu âm để theo dõi xem thai nhi có phát triển bình thường hay không. Bạn cũng có thể được đề nghị thực hiện các xét nghiệm tầm soát để phát hiện những dị tật bẩm sinh di truyền.

Các dị tật bẩm sinh xuất hiện do những bất thường trong gen của trẻ, gen là những yếu tố di truyền được chuyển từ cha và mẹ đến cho trẻ vào thời điểm thụ tinh. Những dị tật bẩm sinh di truyền đôi khi xảy ra ở những người không có những người thân bị những bệnh này. Những phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ sinh con bị di tật bẩm sinh cao hơn những người khác.

Một số xét nghiệm chẩn đoán và tầm soát mà bác sĩ có thể đề nghị thực hiện trong tam cá nguyệt thứ hai bao gồm:

Chọc ối

Được thực hiện ở những thai kỳ từ 16 tuần trở lên. Bác sĩ sẽ chọc kim qua thành bụng đi vào tử cung để vào túi ối rồi rút một lượng nhỏ dịch ối ra ngoài để khảo sát. Các tế bào trong dịch ối sẽ được cho phát triển trong phòng thí nghiệm để tìm ra những bất thường ở các nhiễm sắc thể. Dịch ối cũng có thể được đem đi làm xét nghiệm AFP. Khoảng 1/200 thai phụ bị sẩy thai do thực hiện nghiệm pháp này.

Xét nghiệm lấy mẫu nhung mao màng đệm

Được thực hiện vào khoảng từ tuần thứ 10 đến 12 của thai kỳ. Bác sĩ chọc kim qua thành bụng của bệnh nhân hoặc đưa một catheter qua cổ tử cung để chạm đến nhau. Sau đó bác sĩ sẽ lấy một mẫu tế bào nhau rồi đem đến phòng xét nghiệm để tìm ra những bất thường trong nhiễm sắc thể. Xét nghiệm này không thể tìm ra dị tật mở ống thần kinh của thai nhi. Khoảng 1/200 thai phụ bị sẩy thai do thực hiện nghiệm pháp này.

Xét nghiệm tầm soát huyết tương của mẹ

Loại xét nghiệm máu này có thể được gọi bằng nhiều tên khác nhau bao gồm: xét nghiệm tầm soát đa marker, xét nghiệm bộ ba, tầm soát bộ tứ, v.v... Xét nghiệm này thường được thực hiện trong khoảng thời gian từ tuần thứ 15 đến tuần 20 của thai kỳ. Nó giúp phát hiện những bất thường bẩm sinh bao gồm hội chứng Down, trisomy 18, hoặc dị tật mở ống thần kinh. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu của mẹ rồi kiểm tra 3 thành phần hóa học trong đó bao gồm: alpha-fetoprotein (AFP) (được gan của thai nhi tạo ra) và hai loại hormon thai kỳ: estriol và hCG. Đôi khi các bác sĩ còn kiểm tra thành phần thứ 4 trong máu là inhibin-A. Kiểm tra inhibin-A có thể cải thiện khả năng phát hiện những thai nhi có nguy cơ cao bị hội chứng Down.

Nồng độ AFP cao có liên quan đến dị tật mở ống thần kinh. Ở những phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, xét nghiệm này có thể phát hiện ra khoảng 80% thai nhi bị hội chứng Down, trisomy 18, hoặc dị tật mở ống thần kinh. Trong nhóm tuổi này, có một tỷ lệ dương tính giả (cho kết quả dương tính nhưng thai nhi không thật sự bị mắc những bệnh này) là 22%. Ở những phụ nữ dưới 35 tuổi, xét nghiệm này có thể phát hiện ra khoảng 65% trường hợp thai nhi bị hội chứng Down, và tỷ lệ dương tính giả khoảng 5%.

Siêu âm mục tiêu

Thời điểm tốt nhất để thực hiện siêu âm mục tiêu là vào khoảng tuần thứ 18 đến 20 của thai kỳ. Hầu hết những bất thường chính trong sự phát triển của thai nhi có thể phát hiện ra được trong giai đoạn này. Một số dị tật thực thể như chân dùi trống và dị tật của tim có thể không phát hiện ra được.

Bác sĩ cũng có thể dùng siêu âm để kiểm tra xem trẻ có bị dị tật nào của ống thần kinh hay không, chẳng hạn như nứt đốt sống. Đây không phải là khảo sát tốt nhất để phát hiện hội chứng Down. Chỉ 1/3 trẻ bị hội chứng Down cho kết quả siêu âm bất thường trong ba tháng giữa thai kỳ.

TAM CÁ NGUYỆT THỨ BA - BA THÁNG CUỐI

Ba tháng cuối thai kỳ

Trong giai đoạn này, bạn nên bắt đầu nghĩ đến cách cho con bú, học cách phát hiện những dấu hiệu báo sinh và tìm hiểu những thông tin về sinh mổ.

Những thay đổi ở cơ thể mẹ

Một số khó chịu mà bạn gặp phải trong tam cá nguyệt thứ hai sẽ tiếp tục xuất hiện ở giai đoạn này. Ngoài ra, nhiều thai phụ còn cảm thấy thở khó khăn hơn và cần phải vào phòng vệ sinh nhiều hơn trước. Nguyên nhân của hiện tượng này là do thai nhi phát triển lớn hơn và đè ép nhiều hơn vào các cơ quan trong cơ thể mẹ. Đừng lo lắng gì cả, đứa trẻ trong bụng bạn vẫn ổn và những vấn đề trên sẽ giảm bớt đi khi bạn sinh con.

Một số cơn đau và khó chịu sau thường sẽ xảy ra lần đầu tiên vào ba tháng cuối thai kỳ:

  • Ợ nóng
  • Phù nề ở mắt cá chân, ngón tay, và mặt. Nếu bạn phát hiện ra mình bị phù nề đột ngột hoặc quá nặng hay bị tăng cân nhiều và nhanh, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật hoặc nhiễm độc thai nghén.
  • Trĩ
  • Căng vú
  • Khó ngủ

Khi gần ngày sinh, cổ tử cung của bạn sẽ trở nên mỏng hơn và mềm hơn (xóa cổ tử cung). Đây là một diễn tiến bình thường và tự nhiên giúp âm đạo mở ra trong khi sinh. Bác sĩ sẽ kiểm tra diễn tiến này của bạn bằng cách khám âm đạo.

Tăng cân

Mọi sản phụ đều tăng cân ở những mức độ khác nhau. Trung bình, một sản phụ bình thường sẽ tăng khoảng nửa kg mỗi tuần, hoặc 1,5 đến 2 kg mỗi tháng trong tam cá nguyệt thứ 3. Vào cuối thai kỳ, bạn có thể tăng trung bình khoảng từ 11 đến 13,5 kg. Trẻ sẽ nặng khoảng 3,4kg.

Những thay đổi ở trẻ

Trẻ sẽ tiếp tục lớn và cử động, nhưng bây giờ bé có ít khoảng không hơn bên trong tử cung của mẹ. Do đó, bạn sẽ không còn cảm thấy trẻ đá hoặc chuyển động nhiều bằng tam cá nguyệt thứ hai. Trong giai đoạn cuối cùng này của thai kỳ, thai nhi tiếp tục phát triển. Ngay trước khi sinh, bé đã có thể mở và nhắm mắt và thậm chí có thể mút ngón tay.

Khi cơ thể bạn đang chuẩn bị cho cuộc sinh, bé cũng sẽ bắt đầu di chuyển đến đúng tư thế để đi ra ngoài. Bạn có thể cảm thấy trẻ di chuyển xuống phía dưới thấp hơn của bụng mình. Hiện tượng này có thể làm giảm áp lực lên phổi và khung xương sườn làm bạn dễ thở hơn.

Vào thời điểm ra đời, một đứa trẻ trung bình có chiều dài khoảng 51 đến 56 cm, và nặng khoảng 3,4 kg. Nhưng nếu trẻ có cân nặng từ 2,6 kg đến 3,8 kg vẫn được xem là bình thường.

Giấc ngủ trong 3 tháng cuối thai kỳ

Nguồn năng lượng của bạn sẽ có thể giảm xuống khi bạn ở tháng thứ 9 của thai kỳ. Do đó, bạn có thể bắt đầu hoạt động chậm lại. Đây là một hiện tượng bình thường. Điều quan trọng là bạn cần phải nghỉ ngơi đủ ngay cả khi có thể việc chìm vào giấc ngủ đối với bạn sẽ trở nên khó khăn hơn khi cơ thể bạn lớn hơn. Những cử động của thai nhi, việc phải chạy vào toilet thường xuyên và sự tăng chuyển hóa của cơ thể có thể làm giấc ngủ trở nên khó khăn hơn.

Hãy thử những cách sau để có thể ngủ được trong 3 tháng cuối thai kỳ:

  • Tránh ăn nhiều trong vòng 3 giờ trước khi ngủ.
  • Tập những bài vận động nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ.
  • Tránh ngủ quá lâu vào ban ngày
  • Hãy nói chuyện với chồng, bạn, bác sĩ, hoặc nữ hộ sinh để làm giảm stress.

Đi khám thai

Tiếp tục đi khám thai đều đặn. Trong ba tháng cuối thai kỳ, các thai phụ thường đến gặp bác sĩ thường xuyên hơn. Từ tuần thứ 30 đến 38 của thai kỳ, hầu hết các bác sĩ sẽ đề nghị các thai phụ đến khám vào mỗi 2 tuần một lần. Sau 38 tuần, các thai phụ sẽ đến khám thai mỗi tuần 1 lần cho đến lúc sinh.

Khi sắp đến ngày sinh, hãy nêu những thắc mắc và những mối lo lắng của mình về quá trình sinh nở. Bạn và bác sĩ sẽ thảo luận với nhau về cách sinh của bạn. Một số thai phụ cần phải được mổ lấy thai. Đây là một phẫu thuật rạch một đường trên bụng và tử cung của bạn để lấy em bé ra.

Nếu bạn quyết định không sinh mổ mà sinh qua đường âm đạo, bạn nên trao đổi với bác sĩ về những mặt phải và trái của việc giảm đau. Một số thai phụ chọn cách giảm đau và một số khác lại muốn sinh con một cách tự nhiên, không cần giảm đau.

Giục sinh

Bạn có biết chỉ khoảng 5% trẻ được sinh ra đúng ngày dự sinh? Do đó, ngày sinh thật sự xảy ra sau ngày dự sinh là bình thường và hay gặp và không phải là một biểu hiện bất thường nào cả. Nhưng đôi khi, bác sĩ sẽ cảm thấy lo lắng về em bé và/hoặc sức khỏe của bạn. Trong những trường hợp này, các bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện những biện pháp giục sinh. Giục sinh là kỹ thuật làm cơn chuyển dạ xảy ra bằng những biện pháp nhân tạo. Hầu hết các bác sĩ sẽ chờ đợi 1 đến 2 tuần sau ngày dự sinh trước khi quyết định sử dụng biện pháp giục sinh.

Một số lý do khiến các bác sĩ phải giục sinh bao gồm:

  • Mẹ bị những bệnh mạn tính như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của thai nhi.
  • Trẻ không phát triển bình thường
  • Mẹ bị vỡ ối, có nghĩa là màng bao quanh thai nhi bị vỡ nhưng hiện tượng co bóp để tống thai nhi ra ngoài không xuất hiện sau một khoảng thời gian được xem là an toàn.

Hầu hết các bác sĩ thực hiện các biện pháp giục sinh trong bệnh viện để bảo đảm sức khỏe của mẹ và bé. Có nhiều cách để làm tăng co bóp. Các bác sĩ có thể làm vỡ màng bao quanh thai nhi (màng ối). Họ cũng có có thể đặt thuốc có chứa hormon vào âm đạo của thai phụ. Cách thường dùng nhất là dùng một loại thuốc có tên là Pitocin để giục sinh. Pitocin là một loại hormon gây co bóp. Các thai phụ sẽ được tiêm Pitocin vào tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay.

Quyết định nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa bình

Nếu bạn vẫn chưa nghĩ đến việc mình sẽ nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa bình thì đây là thời điểm bắt đầu nghĩ đến nó. Bạn nên tìm hiểu nhiều hơn về cả 2 lựa chọn trên để tự quyết định. Nuôi con bằng sữa mẹ tốt hơn nhiều so với sữa bột đối với sức khỏe của trẻ và của bạn.

Tìm hiểu những thông tin về nuôi con bằng sữa mẹ hoặc trao đổi với bác sĩ sản hoặc bác sĩ nhi khoa về đề tài này. Sau đó lựa chọn quyết định đúng cho bản thân mình.

Khi nào cần gọi bác sĩ

Trước ngày sinh, hãy bảo đảm rằng bạn đã nói chuyện với bác sĩ về cách thức liên lạc với ông ta/bà ta khi bạn chuyển dạ. Cũng rất cần thiết nếu như bạn làm quen trước với bệnh viện hoặc nơi bạn sẽ sinh con, cách đăng ký vào đó trước thời hạn. Bạn cũng nên biết rằng đôi khi bạn tưởng rằng mình đang chuyển dạ nhưng thật sự không phải như vậy (đây được gọi là hiện tượng chuyển dạ giả). Điều này xảy ra với nhiều sản phụ, do đó không nên cảm thấy xấu hổ khi đi đến bệnh viện và bảo đảm rằng mình đang chuyển dạ nhưng rốt cuộc lại được cho về. Luôn luôn là tốt hơn nếu bạn được khám bởi bác sĩ sớm hết mức có thể khi chuyển dạ bắt đầu xảy ra. Dưới đây là một số dấu hiệu của cơn chuyển dạ thật sự:

  • Cơn co bóp diễn ra thường xuyên hơn và mạnh hơn, những khoảng nghỉ giữa các cơn cũng ngắn dần đi.
  • Đau vùng thắt lưng không giảm. Bạn cũng có thể cảm thấy những triệu chứng tương tự như trong giai đoạn trước khi có kinh kèm với co thắt.
  • Vỡ ối (có thể làm nước ối chảy ào ạt hoặc nhỏ giọt liên tục) và bạn sẽ cảm thấy các cơn co bóp.
  • Xuất tiết dịch có lẫn máu (màu nâu hoặc đốm máu). Đây là nút dịch chẹn ở cổ tử cung. Cơn chuyển dạ có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào hoặc vài ngày sau.
  • Cổ tử cung sẽ dãn ra (mở cổ tử cung) và trở nên mỏng hơn và mềm hơn (còn được gọi là xóa cổ tử cung). Khi khám khung chậu, bác sĩ có thể phát hiện được khi hiện tượng này xảy ra.

NHỮNG DẤU HIỆU BẤT THƯỜNG CẦN PHẢI ĐI KHÁM

Nếu một người phụ nữ nghi ngờ mình có thai hoặc thử thai tại nhà bằng que thử cho kết quả dương tính, cô ta nên hẹn gặp nhân viên y tế (có thể là bác sĩ sản khoa hoặc nữ hộ sinh) để được theo dõi thai kỳ. Chăm sóc thai kỳ trong giai đoạn sớm là yếu tố cơ bản giúp bạn có được một thai kỳ khỏe mạnh.

  • Một phụ nữ đang mang thai nên gọi cho bác sĩ nếu như gặp một trong những tình huống sau:
    • Chuyển dạ hoặc vỡ màng ối (tiết dịch ở âm đạo).
    • Đau bụng hoặc âm đạo.
    • Chảy máu âm đạo màu đỏ tươi
    • Nôn nhiều hơn 3 lần trong 1 ngày hoặc nôn ra máu
    • Huyết áp tăng quá cao (trên 140/90)
    • Tăng cân nhanh và đột ngột.
    • Nhức đầu nặng hoặc thay đổi thị giác
    • Đau chân hoặc đau ngực nặng.
  • Hãy đến phòng cấp cứu nếu gặp một trong những tình huống sau:
    • Ngất
    • Chảy máu âm đạo nhiều hơn 1 miếng thấm trong 1 giờ.
    • Bị đau nặng nề ở bụng hoặc vai hoặc cảm giác gần như ngất đi.
    • Thấy những chất màu hồng, nâu, hoặc trắng chảy ra từ âm đạo nhưng không nhìn giống máu cục (bạn nên mang những chất này theo đến bệnh viện).
    • Chảy máu hoặc chảy nước ồ ạt từ âm đạo trong giai đoạn cuối thai kỳ (đây có thể là dấu hiệu của cơn chuyển dạ).
    • Bị co giật nhưng trước đây chưa từng bị động kinh (đây có thể là dấu hiệu của sản giật, là một biến chứng của thai kỳ)
    • Bị chấn thương, chẳng hạn như ngã, bị đánh vào bụng hoặc khung chậu, hoặc tai nạn giao thông.

Đau vùng bụng dưới ở giai đoạn cuối thai kỳ có thể là cơn đau của chuyển dạ do sự co bóp của tử cung. Khi đó bạn có thể cố uống khoảng 1 lít nước và nằm nghiêng 1 bên rồi theo dõi xem triệu chứng có giảm đi sau 2 giờ hay không. Nếu triệu chứng không giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ.

NHỮNG CÂU BẠN NÊN HỎI BÁC SĨ

  • Tôi có nguy cơ bị bệnh di truyền hay không?
  • Tôi sẽ tăng bao nhiêu kg?
  • Tôi có bị tăng cân quá nhanh hay không?
  • Tôi phải thay đổi chế độ ăn của mình như thế nào (đặc biệt nếu như bạn là người ăn chay)?
  • Những xét nghiệm tôi cần phải làm và khi nào thì nên thực hiện chúng?
  • Tôi có thuộc nhóm thai kỳ có nguy cơ cao hay không?
  • Tôi có nguy cơ sinh mổ hay không?
  • Những bài tập thể dục nào là an toàn đối với tôi hiện nay?
  • Tôi cần phải tiêm những loại vaccin nào?
  • Tôi cần uống những loại thuốc nào?
  • Chúng ta có thể lập kế hoạch chăm sóc thai kỳ bây giờ được không?
  • Tôi có cần phải thuê người giúp việc hay không?

ĐIỀU TRỊ

Một thai kỳ bình thường không phải là một bệnh do đó không cần phải điều trị gì cả ngoại trừ quá trình chăm sóc thai kỳ tiêu chuẩn. Sau lần đến khám đầu tiên, trong vòng 6 tháng đầu tiên của thai kỳ, bạn nên đến gặp bác sĩ khoảng 1 tháng 1 lần. Sau đó, bạn nên lên lịch tái khám mỗi 2 tuần một lần trong tháng thứ 7 và thứ 8 và mỗi tuần 1 lần trong tháng thứ 9. Nếu thai kỳ của bạn trở nên khó khăn hoặc gặp biến chứng, cách điều trị có thể chỉ đơn giản là nằm nghỉ tại giường hoặc có thể làm thủ thuật chọc ối để lấy ra một lượng nhỏ nước ối từ túi ối bao quanh thai nhi để làm xét nghiệm.

Các thai phụ cũng được khuyên nên tiêm ngừa cúm.

Cách chăm sóc tại nhà

  • Chia những bữa ăn lớn ra thành nhiều bữa ăn nhỏ trong suốt thai kỳ. Ăn một bữa ăn cân bằng về chất dinh dưỡng. Bạn có thể tăng từ 11,3kg đến 15,8kg nếu bạn có trọng lượng trung bình. Nếu bạn bị béo phì, có thể bạn sẽ cần phải hạn chế cân nặng, và trong trường hợp này bạn chỉ nên tăng khoảng từ 5kg đến 7kg mà thôi.
  • Không nên ngừng các loại thuốc đã được kê toa trừ phi đã hỏi ý kiến bác sĩ, tuy nhiên bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào không được kê toa.
  • Thuốc viên gừng có bán không cần toa tại các nhà thuốc có thể làm giảm triệu chứng buồn nôn khi mang thai. Hãy trao đổi với bác sĩ về những lựa chọn khác.
  • Không hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng các loại thuốc gây nghiện.
  • Tiếp tục tập thể dục với thời khóa biểu bình thường trừ phi được bác sĩ khuyến cáo khác; bảo đảm uống đầy đủ nước khi tập.
  • Có thể quan hệ tình dục tự nhiên và an toàn nếu thai kỳ không có biến chứng.

Thuốc

Do có nhiều loại thuốc không an toàn khi được sử dụng trong thai kỳ, nên điều cực kỳ quan trọng cần nhớ là bạn chỉ nên sử dụng các loại thuốc đã được bác sĩ cho phép. Nếu bác sĩ kê toa cho bạn một loại thuốc mới, bạn nên giải thích với họ là bạn đang có thai và hỏi xem loại thuốc này có an toàn cho thai hay không Ủy Ban Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ liệt kê 5 nhóm nhãn thuốc dùng trong thai kỳ. Bác sĩ hoặc dược sĩ có thể cho bạn lời khuyên dựa trên mức độ an toàn (được biểu hiện bằng nhóm nhãn thuốc) của thuốc trước khi thai phụ sử dụng. Bác sĩ thường dùng các thuốc có nhóm B và C nếu cần phải chứng nhận sử dụng những loại thuốc này. Không phải tất cả các trường hợp thuộc nhóm A đều có thể được sử dụng để điều trị.

  • Nhóm A: độ an toàn được chứng minh dựa vào những nghiên cứu trên người.
  • Nhóm B: được cho là an toàn dựa vào những nghiên cứu trên động vật
  • Nhóm C: không chắc chắn an toàn khi nghiên cứu trên động vật cho những tác dụng bất lợi
  • Nhóm D: không an toàn với bằng chứng nguy cơ có thể biện hộ được trong một số trường hợp lâm sàng.
  • Nhóm X: độ không an toàn cao, khi sử dụng có thể đem lại nguy cơ cao hơn so với bất kỳ lợi ích nào mà nó có thể mang lại.

NGỪA THAI

Có nhiều biện pháp ngừa thai, nhưng không có cách nào trong số chúng cho hiệu quả 100% ngoại trừ không quan hệ tình dục. Những phương pháp hiện đang được sử dụng dưới đây có thể cho hiệu quả rất khác nhau:

  • Triệt sản: cắt ống dẫn tinh ở nam hoặc thắt vòi trứng ở nữ.
  • Ngừa thai bằng hormon: thuốc ngừa thai, miếng dán ngừa thai, vòng ngừa thai.
  • Dụng cụ tử cung (IUD hoặc Mirena)
  • Implanon
  • Màng ngăn âm đạo
  • Mũ che cổ tử cung
  • Bao cao su
  • Chất diệt tinh trùng
  • Xuất tinh ngoài âm đạo
  • Canh ngày: không quan hệ tình dục trong khoảng thời gian người phụ nữ dễ bị thụ thai nhất.
  • Thuốc tránh thai khẩn cấp.

TIÊN LƯỢNG

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng của thai kỳ:

  • Cân nặng của mẹ: lượng cân nặng tăng thêm của thai phụ trong thai kỳ có thể là một yếu tố quan trọng giúp tiên đoán tiên lượng của một thai kỳ bình thường
    • Tăng cân quá nhiều có thể làm thai phụ có nguy cơ bị bệnh tiểu đường và tăng huyết áp và có thể tăng nguy cơ phải sinh mổ.
    • Tăng cân quá ít có thể làm thai nhi có nguy cơ bị chậm tăng trưởng và mẹ bị thiếu máu, thiếu dinh dưỡng và loãng xương.
  • Buồn nôn và nôn: Ngay cả khi nếu thai phụ có vẻ như bị nôn nhiều hơn mức bình thường, có thể hiện tượng này không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, nhất là khi thai phụ đó vẫn tăng cân ở tốc độ bình thường.
  • Mẹ bị đái tháo đường (type 1 và 2): thai phụ bị đái tháo đường hoặc mới bắt đầu bị đái tháo đường trong thai kỳ có thể sinh non, dị tật bẩm sinh hoặc sinh con to.
  • Số lượng hồng cầu thấp hoặc cao: Số lượng hồng cầu có thể thay đổi nhẹ khi được thử ở những phòng xét nghiệm khác nhau, nhưng thông thường vào khoảng 4.2-5.9 triệu tế bào trong mỗi micro lít. Thai phụ bị thiếu máu (số lượng hồng cầu giảm) có thể dẫn đến nguy cơ sinh non. Số lượng hồng cầu giảm cũng có thể tăng nguy cơ phải truyền máu sau khi sinh. Nếu lượng hồng cầu quá cao có thể làm em bé nhỏ hơn bình thường.
  • Mẹ bị béo phì: một người được xem là béo phì khi có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 30. Nếu một thai phụ bị béo phì và đái tháo đường, con của cô ta sẽ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao gấp 3 lần. Nếu cô ta bị béo phì nhưng không bị đái tháo đường, nguy cơ bị dị tật bẩm sinh sẽ không gia tăng.
  • Tuổi của mẹ: nếu một thai phụ lớn hơn 35 tuổi, con của cô ta sẽ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh và các biến chứng cao. Mục tiêu của việc tầm soát di truyền là để giúp thai phụ biết được những vấn đề mà cái thai hoặc con của mình có thể gặp phải. Có khoảng 2-3% trường hợp bị dị tật bẩm sinh trong dân số.
  • Thiếu acid folic: một thai phụ bị thiếu acid folic, còn được gọi là folate, có thể dẫn đến dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Dị tật ống thần kinh là sự bất toàn trong sự tạo hình của não và tủy sống thường xảy ra vào vài tuần đầu của thai kỳ; do đó, các sản phụ nên được cung cấp acid folic trước khi thụ thai và trong suốt thai kỳ. Các bác sĩ khuyến cáo rằng những phụ nữ không mang thai nên uống 400mg folate mỗi ngày và những phụ nữ đang mang thai nên uống 600mg folate mỗi ngày.
  • Thiếu DHA: chế độ ăn thiếu docosahexaenoic acid (DHA) trong khi đang mang thai có thể dẫn đến phát triển không hoàn toàn ở các bộ phận như mặt, não và hệ thần kinh trung ương của thai nhi. Những phụ nữ đang mang thai và đang tiết sữa nên được cung cấp 300mg DHA mỗi ngày, DHA có thể tìm thấy ở thịt, cá, trứng, và dầu thực vật.
  • Thiếu acid béo omega-3: thiếu acid béo omega-3 trong khi đang mang thai có thể gây nguy hại cho mẹ và bé. Omega-3 là chất béo đa không bão hòa hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và giúp làm giảm nguy cơ bị các biến chứng của thai kỳ. Các thai phụ nên được cung cấp 300mg Omega-3 mỗi ngày trong suốt thời gian mang thai, Omega-3 có thể tìm thấy ở các loài cá nước lạnh, trứng, những loại thực vật có lá màu xanh sẫm.

Nguồn: www.emedicinehealth.com; www.medicinenet.com

Y học NET tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases