Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Tăng huyết áp

Khi tim tống máu đi vào các động mạch, dòng máu sẽ chảy cùng với một lực đẩy tác động vào thành các động mạch. Huyết áp là áp lực của dòng máu chống lại kháng lực của các mạch máu.

Điều làm cho bệnh tăng huyết áp trở nên nguy hiểm là ở thời điểm ban đầu nó có thể không gây bất kỳ triệu chứng gì nhưng nó lại gây ra những biến chứng nghiêm trọng trong thời gian dài sau đó.

  • Nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không hề biết.
  • Những biến chứng của tăng huyết áp là bệnh tim, nhồi máu cơ tim, suy tim xung huyết, đột quỵ, suy thận, bệnh lý mạch máu ngoại biên, phình động mạch chủ.
  • Nhận thức về những nguy hiểm này của người dân đang dần tăng lên và tăng huyết áp trở thành nguyên nhân đứng hàng thứ hai khiến dân Mỹ phải đến viếng phòng mạch bác sĩ.

Huyết áp được đo bằng vòng đo và có 2 con số, chẳng hạn như 120/80 mm Hg (milimet thủy ngân).

  • Số đầu, cũng là số có giá trị lớn hơn được gọi là huyết áp tâm thu. Đây là áp lực được tạo ra khi tim bóp. Nó phản ánh áp lực của dòng máu kháng lại sức cản của thành động mạch.
  • Số sau, cũng là số có giá trị nhỏ hơn được gọi là huyết áp tâm trương. Nó phản ánh áp lực bên trong các động mạch khi tim đang đầy và nghỉ ngơi giữa 2 lần đập.

Các nhà khoa học xác định khoảng bình thường của hai giá trị huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương bằng cách đo huyết áp của nhiều người khác nhau.

  • Những người có huyết áp thường xuyên cao hơn mức độ bình thường được gọi là tăng huyết áp.
  • Tăng huyết áp ở người lớn được định nghĩa là huyết áp thường xuyên cao hơn 140 mmHg đối với tâm thu và 90 mmHg đối với tâm trương.
  • Cao huyết áp không được kiểm soát có liên quan gián tiếp đến nhiều trường hợp tử vong và tàn tật do nhồi máu cơ tim, đột quỵ và suy thận.
  • Theo nhiều nghiên cứu, nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim liên quan trực tiếp đến tăng huyết áp, đặc biệt là tăng huyết áp tâm thu. Huyết áp càng cao thì nguy cơ càng cao, ngay cả khi huyết áp vẫn còn nằm trong giới hạn bình thường.
  • Tuy nhiên, diễn tiến của bệnh tim mạch do cao huyết áp có thể được làm chậm lại

NGUYÊN NHÂN

Trong khoảng 10% trường hợp thì bệnh tăng huyết áp được gây ra bởi một bệnh khác (tăng huyết áp thứ phát). Ở những trường hợp này, khi bệnh chính được chữa khỏi thì huyết áp thường trở về bình thường. Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp thứ phát bao gồm:

  • Bệnh thận mãn
  • U hoặc những bệnh khác về tuyến thượng thận.
  • Hẹp động mạch chủ bẩm sinh - có thể gây ra cao huyết áp ở cánh tay.
  • Có thai.
  • Sử dụng thuốc ngừa thai.
  • Nghiện rượu.
  • Bệnh của tuyến giáp.

90% trường hợp còn lại không tìm ra được nguyên nhân (được gọi là tăng huyết áp tiên phát). Mặc dù nguyên nhân chính chưa được biết đến nhưng người ta cũng nhân ra được một số yếu tố có thể góp phần gây ra tăng huyết áp.

Những yếu tố không thể thay đổi được:

  • Tuổi tác: tuổi càng cao thì càng dễ bị tăng huyết áp, đặc biệt là huyết áp tâm thu, do động mạch trở nên cứng hơn, nguyên nhân là do bệnh xơ cứng động mạch.
  • Dân tộc: dân châu phi dễ bị tăng huyết áp hơn những người da trắng. Họ có thể bị tăng huyết áp từ lúc còn trẻ và có thể bị những biến cứng nghiêm trọng sớm hơn những dân tộc khác.
  • Tình trạng kinh tế xã hội: tăng huyết áp cũng gặp nhiều hơn ở những nhóm người có trình độ giáo dục và kinh tế xã hội thấp.
  • Tiền sử gia đình (tính di truyền): bệnh tăng huyết áp có khuynh hướng di truyền theo gia đình.
  • Giới: thường thì nam giới dễ bị cao huyết áp hơn nữ. Điều này thay đổi theo tuổi tác và chủng tộc.

Những yếu tố có thể thay đổi được:

  • Thừa cân (béo phì): béo phì được định nghĩa là chỉ số khối cơ thể (BMI - body mass index) lớn hơn 30 kg/m2. Nó liên quan rất chặt chẽ với tăng huyết áp. Những chuyên gia y học khuyến cáo những người bị béo phì có cao huyết áp phải giảm cân xuống trong khoảng 15% trọng lượng được đề nghị của cơ thể. Các bác sĩ sẽ giúp bạn đo chỉ số BMI và giới hạn bình thường của trọng lượng cơ thể bạn.
  • Nhạy cảm với Natri (muối): một số người bị nhạy cảm với Natri (muối) do đó huyết áp của họ sẽ tăng cao nếu dùng muối. Giảm lượng muối ăn vào có thể làm hạ huyết áp. Những thức ăn nhanh chứa một lượng Natri đặc biệt cao hơn bình thường. Nhiều loại thuốc thông dụng (OTC - over the counter), chẳng hạn như thuốc giảm đau, cũng có thể chứa một lượng lớn Natri. Đọc kỹ nhãn hiệu để biết thức ăn mà bạn đang dùng chứa bao nhiêu natri. Tránh những loại thức ăn có nồng độ natri cao.
  • Uống rượu: uống nhiều hơn 1 hay 2 ly rượu 1 ngày có thể làm tăng huyết áp đối với những người nhạy cảm với rượu.
  • Thuốc tránh thai (dùng bằng đường uống): một số phụ nữ dùng thuốc tránh thai có thể bị cao huyết áp.
  • Không tập thể dục: ngồi nhiều một chỗ có thể gây béo phì và tăng huyết áp.
  • Thuốc: một số loại thuốc, như amphetamine (thuốc kích thích), thuốc giảm cân, thuốc cảm và dị ứng có thể làm tăng huyết áp.

Trọng lượng tăng, huyết áp cũng tăng

  • Những người béo phì có nguy cơ bị cao huyết áp cao gấp từ 2 đến 6 lần những người có trọng lượng trong giới hạn bình thường.
  • Không chỉ độ béo phì mới đóng vai trò quan trọng mà cách tích tụ mỡ thừa cũng có vai trò quan trọng không kém. Một số người tích thụ mỡ thừa quanh bụng, trong khi một số khác lại tích tụ ở hông và đùi. Nhóm đầu tiên dễ bị cao huyết áp hơn nhóm thứ hai.

TRIỆU CHỨNG

Tăng huyết áp thường không gây triệu chứng gì.

  • Ngay cả khi nó gây ra một triệu chứng nào đó thì các triệu chứng này cũng thường là nhẹ và không đặc hiệu (mơ hồ và có thể có trong nhiều loại bệnh khác nhau)
  • Do đó tăng huyết áp thường được gọi là "kẻ sát thủ im lặng".
  • Bệnh nhân thường không biết mình bị cao huyết áp cho đến khi họ đo huyết áp.

Đôi khi, tăng huyết áp cho những triệu chứng sau:

Thường thì bệnh nhân sẽ không đến bác sĩ cho đến khi những triệu chứng do các nội tạng bị tổn thương gây ra xuất hiện do tăng huyết áp kéo dài. Những loại tổn thương nội tạng thường gặp do tăng huyết áp kéo dài gây ra là:

Khoảng 1% người không chịu đến khám bệnh cho đến khi tăng huyết áp trở nên rất nặng nề, tình trạng này được gọi là tăng huyết áp ác tính.

  • Ở bệnh nhân tăng huyết áp ác tính, huyết áp tâm trương (số nhỏ hơn) thường cao hơn 140 mm Hg.
  • Cao huyết áp ác tính thường đi kèm với nhức đầu, choáng váng, hoặc nôn ói.
  • Trong trường hợp này cần phải cấp cứu và hạ huyết áp xuống để phòng ngừa xuất huyết não hoặc đột quỵ.

Điều cực kỳ quan trọng cần phải nhận ra là tăng huyết áp có thể không được phát hiện trong nhiều năm, không gây ra triệu chứng gì nhưng lại gây ra những tổn thương tiến triển trên hệ tim mạch và những cơ quan khác.

KHI NÀO CẦN ĐẾN SỰ CAN THIỆP CỦA Y HỌC

Đi khám bệnh nếu như huyết áp tâm thu cao hơn 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương cao hơn 90 mmHg, hoặc cả hai

Đi khám bệnh nếu như bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây xuất hiện:

  • Nhức đầu nặng nề không rõ nguyên nhân.
  • Thay đổi thị lực dần dần hoặc đột ngột.
  • Choáng váng hoặc hoa mắt.
  • Nôn ói kèm với nhức đầu nặng nề.
  • Đau ngực hoặc nhịp thở ngắn kèm với thở gắng sức.
  • Yếu liệt đột ngột không rõ nguyên nhân hoặc những triệu chứng khác của stroke.

LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG

Cách duy nhất để biết được có bị tăng huyết áp hay không là đo huyết áp bằng máy đo (sphygmomanometer)

  • Dụng cụ này bao gồm một vòng đo và dây cao su được quấn xung quanh tay của bệnh nhân và bơm phồng lên.
  • Đo huyết áp không gây đau đớn và chỉ kéo dài trong vài phút.

Huyết áp (HA) được chia ra theo các mức độ sau:

  • HA bình thường: tâm thu thấp hơn 120 mmHg, tâm trương thấp hơn 80 mm Hg
  • Tiền cao huyết áp: tâm thu từ 120-139 mmHg hoặc tâm trương từ 80-89 mmHg
  • Cao HA:
    • Giai đoạn 1: tâm thu từ 140-159, tâm trương từ 90-99 mmHg
    • Giai đoạn 2: tâm thu cao hơn 160, tâm trương cao hơn 100 mmHg.

Ngoài ra còn có những xét nghiệm cần phải làm để tìm nguyên nhân của cao huyết áp và tiếp cận cơ quan tổn thương do cao huyết áp và theo dõi điều trị. Những xét nghiệm đó có thể bao gồm:

  • Công thức máu bao gồm các chất điện giải, Ure máu và nồng độ creatinine (để kiểm tra xem thận có tổn thương hay không).
  • Các xét nghiệm lipid máu để tìm cholesterol ở nhiều dạng khác nhau.
  • Những xét nghiệm đặc hiệu để khảo sát hormon của tuyến thượng thận và tuyến giáp.
  • Xét nghiệm nước tiểu để tìm các hormon và các chất điện giải.

Dùng kính soi đáy mắt để kiểm tra xem có tổn thương mắt hay không.

Siêu âm thận, CT scan bụng, hoặc cả hai để kiểm tra có sự tổn thương hoặc sự phì đại của thận và tuyến thượng thận hay không.

Những test sau có thể được thực hiện để khảo sát những tổn thương trên tim mạch:

  • Điện tâm đồ (ECG) là một phương tiện khảo sát không xâm lấn để khảo sát hoạt động điện học của tim và ghi nhận nó vào giấy. Điện tâm đồ rất hữu ích để khảo sát tổn thương của cơ tim, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, phì đại cơ tim, vốn là những biến chứng thường gặp của cao huyết áp.

  • Siêu âm tim: sóng âm ghi nhận hình ảnh của tim khi đang đập và lúc nghỉ ngơi sau đó truyền hình ảnh đến màn hình bên ngoài. Sóng phản âm có thể khảo sát được những vấn đề về tim mạch như: phì đại, những bất thường trong chuyển động của thành tim, cục máu đông, và những bất thường của van tim. Nó cũng cung cấp những thông tin rất hữu ích về sức mạnh của cơ tim (phân xuất tống máu: EF - ejection fraction). Siêu âm tim chính xác hơn ECG nhưng tốn tiền nhiều hơn.
  • X-quang ngực cung cấp thông tin về kích thước của tim, nhưng nó không đặc hiệu bằng siêu âm tim vì siêu âm tim có thể nhìn được vào bên trong tim.
  • Siêu âm doppler dùng để khảo sát dòng máu đi qua các động mạch tại những điểm đập ở cánh tay, cẳng chân, bàn tay và bàn chân. Đây là phương pháp chính xác dùng để khảo sát những bệnh lý mạch máu ngoại biên có thể liên quan đến cao huyết áp. Nó cũng có thể mô tả được các động mạch thận và đôi khi phát hiện được chỗ hẹp có thể gây ra cao HA ở một số ít bệnh nhân.

ĐIỀU TRỊ

Bạn và bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.

  • Nhiều người có thể hạ huyết áp một cách rõ rệt bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như giảm cân và tập thể dục, nhưng hầu hết đều vẫn phải dùng thuốc để giữ trị số huyết áp ở khoảng giá trị an toàn.
  • Cho dù bạn chọn cách điều trị nào thì điều quan trọng nhất là phải đo huyết áp thường xuyên để kiểm tra xem điều trị có hiệu quả hay không.
  • Cao huyết áp không được kiểm soát có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch, suy tim, suy thận, bệnh về mắt và đột quỵ.

Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng mua máy đo huyết áp ở đâu, loại nào là tốt nhất.

  • Thường thì không thể nói chính xác máy nào là tốt nhất. Tuy nhiên, dây đo của máy khi được bơm phồng lên phải bao khít xung quanh cánh tay bệnh nhân.
  • Đo huyết áp 3 lần, cách nhau 2 phút. Lần đo thứ ba thường là chính xác nhất.
  • Nếu giá trị huyết áp ở lần đo thứ ba cao, ngay cả khi nó nằm ở mức giới hạn, nên kiểm tra lại lần nữa bằng máy đo mà bạn biết là chính xác (chẳng hạn như đo huyết áp tại phòng mạch bác sĩ).
  • Đừng dựa hoàn toàn vào máy đo mua tại cửa hàng. Hãy nhờ một nhân viên y tế đã được huấn luyện kiểm tra lại một cách đều đặn bằng một máy đo chính xác.

Tại nhà

Quản lý và kiểm soát cao huyết áp tại nhà bao gồm 2 lựa chọn chính, thay đổi lối sống (được viết ở phần này) và dùng thuốc (được viết ở phần điều trị).

  • Thay đổi lối sống bao gồm thay đổi những gì bạn đang ăn và mức độ hoạt động của bạn.
  • Ngưng hút thuốc và giảm uống rượu cũng có thể giúp bạn giữ mức huyết áp ở giới hạn bình thường.

Kiểm soát trọng lượng

  • Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì, hãy giảm cân. Bác sĩ có thể giúp bạn tính toán mục tiêu cân nặng cần đạt được.
  • Chỉ cần giảm xuống một ít cân nặng cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc hạ thấp chỉ số huyết áp hoặc phòng ngừa cao huyết áp.
  • Để giảm cân, bạn cần phải đốt cháy lượng calori nhiều hơn mức độ nạp vào cơ thể.
  • Giảm cân cấp tốc và nhất thời không giúp ích được gì mà đôi khi còn có thể nguy hiểm nữa.
  • Một số thuốc dùng đề giảm cân chứa đựng nguy cơ cao và thậm chí còn có thể làm tăng huyết áp nữa.
  • Cách giảm cân tốt nhất và lâu dài nhất đòi hỏi phải giảm từ từ, chẳng hạn như giảm từ 0,5 đến 1 pound mỗi tuần. Ăn ít hơn 500 calori so với phần bạn đốt cháy mỗi ngày có thể giúp đạt được mục tiêu này. Mỗi tuần, ăn ít hơn 3500 calori so với phần bạn đốt cháy là đủ để giảm xuống 1 pound.
  • Gia tăng hoạt động thể lực giúp đốt cháy nhiều calori hơn.

Giảm cân và giữ vững nó:

  • Chọn thức ăn ít calori và chất béo. Chất béo là nguồn dự trữ của calori. Bạn nên giảm bớt bơ, margarine, thịt mỡ hoặc thịt đỏ, da của gia cầm, sữa, pho mát, thức ăn chiên, kem, bánh ngọt, bánh nướng và snack trong khẩu phần ăn hằng ngày của mình.
  • Thay vào đó, hãy ăn những loại thức ăn nhiều tinh bột và chất xơ. Chúng ít chất béo và là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng rất tốt cho cơ thể. Ăn trái cây, rau quả, ngũ cốc còn nguyên vỏ, mì và đậu.
  • Hãy ghi lại thời điểm và thực đơn sau những bữa ăn của bạn. Điều này sẽ rất hữu ích để thay đổi thói quen. Nó giúp bạn lưu ý đến địa điểm và những việc bạn đang làm lúc ăn những thức ăn giàu calori. Chẳng hạn như nhiều người ăn khi đang xem tivi. Hoặc bạn không ăn sáng sau đó ăn một bữa trưa thật thịnh soạn. Xác định được thời khóa biểu này sẽ giúp vượt qua được những tình huống khiến bạn ăn uống quá mức.
  • Thay thế những thức ăn giàu calori và chất béo bằng trái cây tươi, bánh quy, popcorn không có muối và bơ. Nếu không có thời gian ăn sáng, hãy ăn một ổ bánh mì (không bơ hay phô mai) trong khi làm việc. Điều này sẽ giúp tránh nguy cơ bạn sẽ dùng một bữa trưa thịnh soạn.

Luyện tập hoặc tăng các hoạt động thể lực.

  • Các hoạt động thể lực sẽ giúp bạn đốt cháy calori, giảm cân và giảm stress.
  • Hoạt động thể lực giúp bạn giảm tổng lượng cholesterolcholesterol xấu (LDL) và tăng lượng cholesterol tốt (HDL).
  • Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA - American Heart Association) khuyến cáo rằng tập thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ rất tốt cho tim mạch.
  • Hoạt động thể lực không có nghĩa là chạy bộ giống như marathon. Lau nhà, chơi golf, chơi bóng chày có thể đốt 300 calori mỗi giờ; đi bộ nhanh (3,5 dặm/giờ), đạp xe (5,5 dặm/giờ), làm vườn, nhảy, chơi bóng rổ có thể đốt 450 calori mỗi giờ, chạy bộ (9 phút/dặm), chơi bóng đá, bơi lội có thể đốt 730 calori mỗi giờ, chạy (7 phút/dặm), chơi quần vợt, trượt tuyết có thể đốt 920 calori mỗi giờ.
  • Bạn có thể đưa những hoạt động thể lực vào những công việc hằng ngày:
    • Đi thang bộ thay vì đi thang máy.
    • Dừng lại ở trạm xe bus cách điểm đến 1, hoặc 2 trạm và đi bộ trong quãng đường còn lại.
    • Đậu xe cách xa cửa hàng hoặc văn phòng.
    • Đi xe đạp
    • Làm vườn
    • Lau nhà
    • Rửa xe.
    • Đi tập nhảy.

Những bí quyết để kiểm soát huyết áp bao gồm:

  • Giảm lượng muối ăn vào.
  • Giảm lượng rượu uống vào xuống thấp hơn 2 ly mỗi ngày.
  • Bỏ hút thuốc.
  • Uống thuốc.

Thuốc là một phần quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp ở hầu hết những bệnh nhân cao huyết áp. Nhiều bệnh nhân không thể giữ được huyết áp ở mức bình thường bằng cách thay đổi lối sống.

  • Chỉ có 21% bệnh nhân có sử dụng thuốc cao huyết áp và huyết áp được kiểm soát tốt.
  • Có ít nhất 16% bệnh nhân cao huyết áp không sử dụng thuốc.
  • Gần 28% bệnh nhân dùng thuốc không đúng cách và huyết áp vẫn không được kiểm soát.

(trên đây là các số liệu thống kê tại Hoa Kỳ - Y học NET)

  • Do đó, thách thức lớn nhất trong điều trị cao huyết áp là sử dụng thuốc đúng cách.

Có sự can thiệp y khoa

Khoảng một nửa những bệnh nhân cao huyết áp hạn chế lượng muốn ăn vào bằng cách giảm muối khi nấu ăn, trong thức ăn có thể giảm huyết áp xuống 5 mm Hg. Giảm cân và hoạt động thể lực thường xuyên còn có thể giảm huyết áp xuống nhiều hơn nữa.

Nếu thay đổi lối sống không hiệu quả, cần phải sử dụng thêm thuốc. Những loại thuốc huyết áp được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ bị đột quỵ, bệnh tim mạch và bệnh thận. Không được ngưng thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.

Thuốc

Những loại thuốc thường gặp bao gồm:

Thuốc lợi tiểu:

  • Thuốc lợi tiểu được dùng rất rộng rãi để kiểm soát những trường hợp cao huyết áp nhẹ, và thường được sử dụng phối hợp với các loại thuốc khác.
  • Nó làm tăng thải muối và làm tăng lượng nước tiểu đồng thời làm giảm thể tích máu.
  • VD : Hydrochlorothiazide.

Thuốc chẹn beta:

  • Chẹn beta giúp làm chậm nhịp tim và giảm lực co bóp của cơ tim, do đó làm giảm áp lực do tim tạo ra.
  • Được sử dụng thích hợp hơn ở những người bị bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, hoặc có tiền sử nhồi máu, nhờ vậy họ cũng có thể phòng ngừa được cơn nhồi máu tái phát và đột tử.
  • VD: Carvedilol, metoprolol, atenolol.
  • Tác dụng phụ: mệt mỏi, trầm cảm, liệt dương, ác mộng.

Thuốc đối kháng kênh Calci

  • Có tác dụng thư giãn cơ ở thành các động mạch.
  • Ngoài ra còn có tác dụng làm giảm sức co bóp của tim.
  • VD: Nifedipine, Diltiazem, Verapamil, Nicarddipine, amlodipine, Felodipine.
  • Tác dụng phụ: phù mắt cá chân, mệt mỏi, nhức đầu, táo bón, đỏ mặt.

Thuốc ức chế men chuyển

  • Thuốc ức chế men chuyển có tác dụng làm ngưng sản xuất một chất hóa học được gọi là angiotensin II, một chất hóa học có tác dụng rất mạnh làm co mạch, gây ra tăng huyết áp. Ức chế tác dụng của thuốc này sẽ giúp các mạch máu được thư giãn.
  • VD: Captopril, Enalapril, Lisinopril, Quinapril, Fosinopril.
  • Tác dụng phụ thường hiếm gặp nhưng đôi khi nó sẽ làm chức năng thận xấu đi và tăng lượng Kali trong máu, đặc biệt ở những bệnh nhân đã bị tổn thương thận. Ức chế men chuyển đôi khi còn gây ho khan và hiếm khi gặp phù mạch (phù nặng quanh khí quản).

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin

  • Loại thuốc này có tác dụng trên các thụ thể ở các mô phân bố khắp cơ thể giúp ngăn không cho angiotensin gắn vào chúng, do đó cũng ngăn ngừa tác dụng co cơ của angiotensin II.
  • VD: Losartan, Valsartan, Candesartan, Irbesartan.
  • Tác dụng phụ của thuốc ức chế thụ thể angiotensin ít hơn các thuốc ức chế men chuyển do ít gây ho hơn.

Thuốc chẹn Alpha

  • Chẹn alpha giúp thư giãn mạch máu bằng cách ngăn chặn tín hiệu truyền từ hệ thần kinh xuống gây co cơ.
  • VD: Terazosin, doxazosin.
  • Từ lúc có nghiên cứu ALLHAT (Antihypertensive and Lipid-Lowering Treatment to Prevent Heart Attack Trial - Thử nghiệm điều trị cao huyết áp và hạ thấp nồng độ lipid để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim) trên 42000 bệnh nhân và ngừng thử nghiệm trên nhóm dùng chẹn alpha trước thời hạn (ngưng điều trị ở nhóm được nhận thuốc chẹn alpha) vì sự gia tăng quá mức tỷ lệ suy tim xung huyết, thì thuốc chẹn alpha không còn được kê toa thường xuyên nữa và được sử dụng trên nam giới có các triệu chứng của phì đại tiền liệt tuyến.

Thuốc ức chế hệ thần kinh giao cảm trung ương

  • Loại thuốc này có tác dụng chặn các tín hiệu xuất phát từ não ở hệ thần kinh giao cảm gây co mạch. Hệ thần kinh giao cảm là một phần của hệ thần kinh giúp kiểm soát nhịp tim, nhịp thở và những chức năng cơ bản khác một cách tự động.
  • Tác dụng của thuốc là làm giãn mạch dẫn đến hạ huyết áp. Những loại thuốc này không thông dụng vì những tác dụng phụ quá mức của nó và không có nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên nào xác định được tính hiệu quả của nó trong việc giảm tần số nhồi máu, đột quỵ v.v...
  • VD: Clonidine

Thuốc giãn mạch trực tiếp

  • Giúp giãn mạch làm cho máu chảy với áp lực thấp hơn.
  • Những loại thuốc này được dùng qua đường tiêm tĩnh mạch ở cấp cứu (có nghĩa là dùng trong trường hợp bị cao huyết áp ác tính).
  • VD: Nitroprusside, Diazoxide. Thuốc uống bằng đường miệng là Hydralazine và minoxidil.

Phẫu thuật

Hiếm khi phải phẫu thuật trừ trường hợp cần phải cắt bỏ những khối u tiết hormon lành tính của tuyến thượng thận. Nếu như phát hiện ra hẹp động mạch thận, đôi khi cần phải làm giãn nở bằng bóng có hướng dẫn bằng stent kim loại.

Những phương pháp điều trị khác

Những phương pháp điều trị thay thế có thể hữu ích cho những người muốn kiểm soát huyết áp:

  • Châm cứu hoặc vật lý trị liệu là những kỹ thuật thay thế được chấp nhận tốt có thể có ích.
  • Những phương pháp giúp thư giãn và giảm stress cũng được khuyên dùng. Bao gồm thiền, yoga v.v...
  • Những phương pháp này một mình chúng không thể giữ được trị số huyết áp trong giới hạn bình thường. Do đó không nên dùng nó làm phương pháp điều trị thay thế những phương pháp y học khác mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Thực phẩm bổ sung và thuốc thay thế đôi khi cũng được khuyên dùng.

  • Chẳng hạn như vitamin, tỏi, dầu cá, L-arginine, đậu nành, coenzyme Q10, thuốc nam, phytosterols.
  • Tuy là những chất này có vẻ như có ích nhưng bản chất chính xác của những lợi ích này vẫn chưa được khám phá.
  • Các nghiên cứu khoa học cũng không tìm ra được bằng chứng nào cho rằng những liệu pháp này sẽ làm giảm huyết áp hay ngăn ngừa biến chứng cao huyết áp.
  • Hầu hết những chất này là vô hại nếu dùng ở liều vừa phải do đó hầu hết mọi người đều có thể sử dụng được.
  • Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn muốn dùng những loại thực phẩm này. Tuy nhiên nếu dùng chúng để thay thế những phương pháp điều trị y học đã được chứng mình là có thể làm giảm huyết áp và nguy cơ mắc các biến chứng có thể cho những tác dụng có hại cho sức khỏe của bạn.

CÁC BƯỚC KẾ TIẾP

Tuân thủ điều trị

Yếu tố quan trọng nhất trong điều trị cao huyết áp là tuân thủ điều trị

  • Kiểm tra huyết áp định kỳ tại phòng mạch bác sĩ để bảo đảm nó vẫn ở mức được khuyến cáo. Nếu trị số huyết áp không được như vậy, cần phải thay đổi phương pháp điều trị.
  • Nếu bạn bị tiểu đường hoặc đã từng bị nhồi máu, đột quỵ trước đây, bác sĩ sẽ muốn trị số huyết áp của bạn nằm trong khoảng 125-130 mm Hg để phòng ngừa tái phát.
  • Độ xơ cứng động mạch sẽ tăng dần theo tuổi tác và do dó dẫn theo trị số huyết áp tâm thu cũng tăng dần. Do đó một phương pháp điều trị chỉ hiệu quả trong một khoảng thời gian nào đó mà thôi. Bạn có thể sẽ phải đổi liều lượng của loại thuốc đang sử dụng hoặc được kê toa một loại thuốc mới.
  • Trong những lần khám bệnh định kỳ, bạn sẽ được tầm soát những tổn thương trên tim, mắt, não, thận và các động mạch ngoại biên có thể liên quan đến cao huyết áp.
  • Trong những lần khám này bạn cũng nên thông báo cho bác sĩ biết những tác dụng phụ mà bạn gặp phải khi sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách đối phó với chúng hoặc có thể sẽ đổi thuốc cho bạn.
  • Khám định kỳ cũng là dịp tốt để tầm soát những yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tăng cholesterol và béo phì.

Phòng ngừa

Những chiến lược sau có thể giúp bạn phòng ngừa cao huyết áp và những tổn thương ở các cơ quan nội tạng mà nó có thể gây ra.

  • Ăn những chất dinh dưỡng ít béo.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Giảm lượng muối ăn vào: đọc nhãn hiệu các loại thức ăn để biết nồng độ muối chứa trong đó trước khi mua.
  • Giữ cân nặng lý tưởng, nếu bị thừa cân hoặc béo phì thì bạn nên tìm cách giảm cân.
  • Dùng ít rượu
  • Ngưng hút thuốc
  • Kiểm tra huyết áp định kỳ. Có thể sử dụng máy đo huyết áp tại nhà.
  • Dùng thuốc cao huyết áp thường xuyên, ngay cả khi bạn cảm thấy mạnh khỏe.
  • Giảm stress, luyện tập thư giãn: các hoạt động thể lực có thể giúp bạn điều đó.

TIÊN LƯỢNG

Nếu huyết áp được kiểm soát thì tiên lượng thường tốt.

  • Đối mặt với việc phải dùng thuốc suốt đời trừ phi bạn có thể thay đổi lối sống một cách hoàn toàn.
  • Một sự thật đau lòng là tuy vậy nhưng bệnh cao huyết áp chỉ có thể được điều trị ở 1/5 trong số 60 triệu dân Mỹ mắc bệnh.
  • Ngoài ra, 35% người bị cao huyết áp không hề biết là mình bị bệnh.
  • Cao huyết áp không được điều trị là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh tim phì đại và suy tim, nhồi máu, đột quỵ, suy thận. Đó là lý do vì sao cao huyết áp lại được gọi là "kẻ sát thủ thầm lặng"

Theo emedicinehealth - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases