Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Sinh non

Sinh non

Hầu hết các thai kỳ kéo dài khoảng 40 tuần. Sinh non được định nghĩa là khi ngày sinh thật sự xảy ra trước ngày dự sinh hơn 3 tuần.

Sinh non làm thai nhi không có đủ thời gian để phát triển và trưởng thành bên trong tử cung dẫn đến kết quả làm gia tăng nguy cơ gặp nhiều loại bệnh và những bất thường về phát triển khác nhau, bao gồm khó thở, xuất huyết não. Nếu bạn chuyển dạ quá sớm, bác sĩ có thể sẽ cố tìm cách làm chậm ngày sinh của bạn lại. Ngay cả khi không thể tránh được sinh non, được ở lại thêm vài ngày nữa bên trong tử cung có thể cải thiện một cách đáng kể sự phát triển của thai nhi.

Mặc dù tỷ lệ sinh non có vẻ như ngày càng tăng nhưng có một điều đáng khả quan là một lối sống lành mạnh có thể giúp bạn tiến được một đoạn đường dài trong việc phòng ngừa chuyển dạ sớm và sinh non.

TRIỆU CHỨNG

Phát hiện nhanh những dấu hiệu chuyển dạ trước thời hạn có thể giúp bạn phòng ngừa sinh non. Ngay cả khi còn đến vài tháng nữa mới đến ngày sinh nhưng bạn cũng nên chú ý những dấu hiệu sau:

  • Co bóp xảy ra nhiều hơn 8 lần mỗi giờ (bạn sẽ cảm thấy cảm giác căng khít, thắt chặt ở bụng, thường làm gợi nhớ lại những cơn co thắt do kinh nguyệt).
  • Đau lưng nhẹ và âm ỉ.
  • Có cảm giác đè nặng hoặc đau ở khung chậu
  • Tiêu chảy
  • Xuất hiện một vệt máu hoặc chảy máu ở âm đạo.
  • Chảy nước ở âm đạo (có thể đây là dịch ối, là loại dịch bao xung quanh em bé bên trong tử cung).

Nếu bạn lo lắng về những cảm giác này, hãy liên lạc với bác sĩ. Đừng lo lắng vì mình đã lầm lẫn những cơn chuyển dạ giả với những cơn thật sự.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Những nguyên nhân đặc hiệu gây chuyển dạ sớm hoặc sinh non thường không rõ ràng. Tuy nhiên cũng có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non. Những yếu tố nguy cơ thường gặp nhất bao gồm:

  • Đã từng bị chuyển dạ sớm hoặc sinh non trước đây.
  • Sinh đôi, sinh ba, hoặc các loại đa thai khác.
  • Gặp những vấn đề đối với tử cung, cổ tử cung, hoặc nhau thai.
  • Hút thuốc lá, uống rượu, hoặc sử dụng những thuốc gây nghiện.
  • Một số bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng dịch ối và đường sinh dục dưới.
  • Một số bệnh mạn tính như tăng huyết ápđái tháo đường.
  • Nhẹ cân hoặc béo phì trước khi mang thai.
  • Gặp những sự kiện gây stress, chẳng hạn như mất người thân, bạo hành gia đình.
  • Sẩy thai hoặc phá thai nhiều lần.

Vì một lý do nào đó chưa được biết rõ, những phụ nữ da đen dễ bị chuyển dạ sớm và sinh non nhiều gấp 2 lần những phụ nữ thuộc các chủng tộc khác. Nhưng chuyển dạ sớm và sinh non có thể xảy ra với bất kỳ ai. Trong thực tế, có nhiều phụ nữ bị sinh non nhưng không phát hiện ra được yếu tố nguy cơ nào cả.

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM

Chăm sóc thai kỳ đúng cách có thể giúp bạn phòng ngừa chuyển dạ sớm và sinh non. Nếu bạn có nguy cơ bị chuyển dạ sớm hoặc sinh non, các bác sĩ có thể khuyên bạn đến khám thai thường xuyên hơn.

Nếu bạn thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của chuyển dạ sớm - chẳng hạn như chảy nước ở âm đạo hoặc cơn co bóp xảy ra thường xuyên hơn 8 lần mỗi giờ - hãy liên lạc với bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức. Bạn nên giữ những số điện thoại của các địa chỉ trên để có thể tìm thấy được dễ dàng.

KHÁM VÀ CHẨN ĐOÁN

Nếu có vẻ như bạn sắp chuyển dạ sớm, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra xem cổ tử cung của bạn có dãn chưa và màng ối đã bị vỡ chưa. Thời gian và khoảng nghỉ của các cơn co bóp sẽ được theo dõi sát. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ dùng siêu âm để theo dõi độ dài của cổ tử cung. Bác sĩ sẽ lấy một miếng gạc lau cổ tử cung rồi kiểm tra xem có sự hiện diện của fibronectin thai nhi bên trong không, là một lớp mô có dạng giống keo bị thải ra ngoài trong khi sinh.

Nếu bạn chuyển dạ sớm, bạn và bác sĩ có thể sẽ phải trao đổi với nhau về nguy cơ và lợi ích của việc thử chấm dứt chuyển dạ.

BIẾN CHỨNG

Chuyển dạ sớm và sinh non có thể gây ra nhiều biến chứng.

Đối với mẹ

Ngoài việc bắt đầu quá sớm, chuyển dạ sớm thường tương tự như một cuộc chuyển dạ bình thường. Tuy nhiên, các cách điều trị được sử dụng để làm chậm quá trình sinh nở lại có thể tiềm ẩn nguy cơ. Các loại thuốc làm ngừng co cơ tử cung có thể gây tích tụ dịch bên trong phổi làm bạn bị khó thở. Những tác dụng phụ khác tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng để làm ngừng chuyển dạ. Một số loại thuốc có thể gây mệt mỏi và yếu cơ. Một số loại thuốc khác có thể làm tim đập nhanh, bất thường đường huyết, nhức đầu, chóng mặt, hoặc buồn nôn.

Bác sĩ có thể sẽ cân nhắc giữa những nguy cơ tiềm ẩn của thuốc được sử dụng để chấm dứt thai kỳ với nguy cơ cho em bé nếu được sinh ra quá sớm.

Đối với em bé

Các nguy cơ của sinh non thay đổi tùy thuộc vào trẻ được sinh sớm ở mức độ nào. Mặc dù những trẻ được sinh sớm vào khoảng tuần thứ 23 đến 26 vẫn có khả năng sống nhưng những trẻ sinh sớm nhất sẽ gặp những nguy cơ lớn nhất.

Các biến chứng của sinh non có thể bao gồm:

  • Khó thở
  • Có những giai đoạn ngừng thở
  • Chảy máu bên trong não (xuất huyết nội sọ)
  • Tích tụ dịch bên trong não (não úng thủy)
  • Liệt não và những vấn đề thần kinh khác.
  • Các vấn đề về thị giác
  • Các vấn đề của ruột
  • Chậm phát triển
  • Không có khả năng học

Những biến chứng ít nghiêm trọng hơn có thể bao gồm:

  • Vàng da và vùng tròng trắng của mắt.
  • Thiếu hồng cầu
  • Huyết áp thấp

Ở một số trẻ được sinh non, những khó khăn có thể sẽ không xuất hiện cho đến mãi sau này hay thậm chí có thể xuất hiện khi đã trưởng thành. Học không tốt ở trường thường là rắc rối gây quan tâm chính ở những trẻ sinh non. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ có thể sẽ phải đối mặt với sự gia tăng nguy cơ bị đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch khi lớn lên.

Nhưng không phải tất cả các trẻ sinh non đều gặp vấn đề. Nếu trẻ được sinh vào khoảng 28 đến 30 tuần thì nguy cơ bị những biến chứng nghiêm trọng sẽ thấp hơn rất nhiều. Và đối với trẻ được sinh ra từ tuần lễ thứ 32 đến 36 thì hầu hết các vấn đề liên quan đến sinh non đều chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn.

ĐIỀU TRỊ VÀ CÁC LOẠI THUỐC

Quá trình điều trị có thể tập trung vào những phụ nữ đang chuyển dạ sớm hoặc ở những trẻ sơ sinh sau khi được sinh ra.

Đối với mẹ

Nếu bạn bị chuyển dạ sớm, cách điều trị tùy thuộc vào bạn đang ở trong giai đoạn nào của thai kỳ và cơn chuyển dạ đã diễn tiến đến mức nào rồi. Đôi khi chỉ cần nghỉ ngơi là đủ để làm ngừng các cơn co bóp của tử cung.

Nếu bạn không bị co bóp nhưng cổ tử cung lại mở, có thể bạn cần phải phẫu thuật để buộc vòng cổ tử cung để phòng ngừa sinh non. Khi phẫu thuật, cổ tử cung sẽ được khâu đóng lại bằng những sợi chỉ chắc chắn. Những sợi chỉ này sẽ được lấy đi vào tháng cuối cùng của thai kỳ.

Trong những trường hợp khác, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn dùng thuốc. Một số loại thuốc có thể làm ngừng co bóp bằng cách làm dãn các cơ trơn, bao gồm cả cơ tử cung. Một số loại khác ngăn sự sản xuất các chất kích thích tử cung co bóp. Những loại thuốc này có thể được cho bằng cách tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp. Điều không may là thông thường những loại thuốc này chỉ làm ngừng chuyển dạ một thời gian ngắn - có thể đủ ngắn để đạt được những mục tiêu khác như chuyển bệnh nhân đến một cơ sở y tế được trang bị tốt hơn để chăm sóc cho trẻ sinh non.

Nếu thai kỳ đang ở giữa tuần thứ 23 và 34, bác sĩ có thể khuyên bạn tiêm corticoid để tăng tốc độ trưởng thành phổi của thai nhi. Suy tuần thứ 34, có thể không cần sử dụng corticoid nữa do phổi của thai nhi đã trưởng thành hơn.

Ở một nghiên cứu vào năm 2007, thuốc nitroglycerin dùng để điều trị bệnh tim đã cho thấy hứa hẹn làm ngừng chuyển dạ sớm và giảm bệnh tật ở trẻ sơ sinh. Nitroglycerin có thể được hấp thu qua da được cho là có khả năng kéo dài thai kỳ bằng cách làm dãn các cơ trơn của tử cung. Cách nhà nghiên cứu cho rằng nó còn có thể làm tăng lượng máu đế tử cung và nhau. Điều quan trọng cần lưu ý là những loại thuốc khác làm ngưng chuyển dạ cũng có những phát hiện tương tự trong giai đoạn sớm nhưng lại gây thất vọng khi đem áp dụng vào thực tế. Cần phải có thêm những nghiên cứu khác nữa trước khi nitroglycerin trở thành cách thường quy để điều trị những trường hợp chuyển dạ sớm.

Đối với trẻ sơ sinh

Đơn vị chăm sóc tích cực trẻ sơ sinh ở bệnh viện (NICUs - Neonatal intensive care units) được thành lập để chăm sóc suốt ngày đêm những trẻ sinh non và những trẻ sinh đủ tháng nhưng gặp vấn đề về phát triển sau khi sinh. Trong NICU, trẻ có thể sẽ được giữ trong lồng ấp - một cái nôi kín bằng plastic được giữ ấm để giúp trẻ duy trì được nhiệt độ bình thường của cơ thể. Do những trẻ sinh non có da chưa trưởng thành và có rất ít mỡ nên chúng thường cần phải được chăm sóc như vậy để giữ ấm.

Các miếng cảm ứng có thể được dán vào cơ thể trẻ để theo dõi huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và nhiệt độ. Các bác sĩ cũng có thể dùng máy giúp thở để hỗ trợ trẻ thở. Thiết bị kỹ thuật cao này có thể ban đầu cho bạn cảm giác hơi quá mức cần thiết nhưng chúng đều được thiết kế để hỗ trợ cho trẻ.

Đầu tiên, trẻ sẽ nhận được chất dinh dưỡng và dịch từ ống đặt trong tĩnh mạch. Sau đó trẻ sẽ được cho uống sữa mẹ qua một ống đặt xuyên qua mũi trẻ xuống đến dạ dày. Khi trẻ đủ khỏe mạnh để có thể bú được, thường có thể cho trẻ bú bằng sữa mẹ hoặc sữa bình. Các kháng thể có trong sữa mẹ đặc biệt quan trọng đối với những trẻ sinh non.

Các bác sĩ có thể sẽ giúp bạn học cách đụng chạm vào trẻ và bế cùng với cho trẻ ăn. Nói chuyện hoặc hát nhẹ nhàng với trẻ, hoặc chỉ đơn giản là im lặng.

Đưa trẻ về nhà

Trẻ sẽ sẵn sàng về nhà nếu như:

  • Có thể thở được không cần sự hỗ trợ
  • Có thể giữ được nhiệt độ ổn định của cơ thể
  • Có thể được nuôi bằng sữa mẹ hoặc sữa bình
  • Tăng cân đều đặn

Các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc trẻ tại nhà. Hãy lưu ý rằng trẻ sinh non dễ bị tổn thương hơn những trẻ sơ sinh đủ tháng khác đối với các bệnh nhiễm trùng, và diễn tiến bệnh của trẻ có khuynh hướng nhanh hơn. Thường xuyên đưa trẻ đi kiểm tra lại. Khoảng thời gian đưa trẻ đi kiểm tra cũng là khoảng thời gian tốt nhất để đặt những câu hỏi về cách chăm sóc trẻ.

PHÒNG NGỪA

Một lối sống lành mạnh có thể tiến một bước xa trong việc phòng ngừa chuyển dạ sớm và sinh non.

  • Chăm sóc trước sinh thường xuyên. Đi khám thai thường xuyên để giúp bác sĩ có thể theo dõi sức khỏe của bạn và sức khỏe của thai nhi. Kể bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào làm bạn lo lắng, kể cả trong trường hợp chúng có vẻ không quan trọng.
  • Ăn những thức ăn lành mạnh. Khi mang thai, bạn sẽ cần nhiều hơn acid folic, canxi, sắt, protein, và những chất dinh dưỡng cơ bản khác. Dùng vitamin hằng ngày trước sinh - lý tưởng nhất là bắt đầu vài tháng trước khi thụ thai - có thể giúp bổ sung những phần còn thiếu.
  • Kiểm soát những bệnh mạn tính. Nên nhớ rằng những bệnh mạn tính nếu không được kiểm soát chẳng hạn như đái tháo đườngtăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm. Hãy hợp tác với bác sĩ để giữ những bệnh mạn tính của mình nằm trong tầm kiểm soát.
  • Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ về sinh hoạt. Nếu cơ thể bạn xuất hiện những dấu hiệu và triệu chứng của chuyển dạ sớm, bác sĩ sẽ đề nghị bạn làm việc ít hơn hoặc để đôi chân hoạt động ít hơn. Đôi khi cũng cần phải giảm bớt những hoạt động thể lực khác nữa.
  • Tránh những chất nguy cơ. Nếu bạn hút thuốc lá, hãy bỏ hút. Hút thuốc có thể gây chuyển dạ sớm. Rượu và những thuốc tiêu khiển cũng bị cấm. Ngay cả những thuốc phổ thông hoặc những thuốc hỗ trợ cũng cần phải được sử dụng thận trọng. Cần được sự đồng ý của các bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc thuốc hỗ trợ nào.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề quan hệ tình dục. Đó không phải là vấn đề ở những phụ nữ có thai kỳ bình thường. Nhưng có thể sẽ không được quan hệ tình dục nếu bạn có một số biến chứng, chẳng hạn như xuất huyết âm đạo hoặc những vấn đề ở cổ tử cung hoặc nhau thai.
  • Giới hạn căng thẳng. Đặt nó vào một giới hạn chấp nhận được và bám vào nó. Dành một khoảng thời gian yên tĩnh trong ngày. Yêu cầu được giúp đỡ nếu cần thiết.
  • Chăm sóc răng. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày, đi khám nhà sĩ thường xuyên để được chăm sóc và làm sạch răng. Một số nghiên cứu cho rằng những bệnh của lợi có liên quan đến chuyển dạ sớm và sinh non.

Nếu bạn đã từng bị sinh non trước đây hoặc có những yếu tố nguy cơ đáng kể, bác sĩ có thể đề nghị bạn tiêm hormon progesterone mỗi tuần. Mặc dù vẫn còn nhiều điều cần phải tìm hiểu về loại hormon này nhưng những nghiên cứu ban đầu cho thấy progesterone có thể giúp ngăn ngừa chuyển dạ sớm và sinh non ở một số thai phụ.

ĐƯƠNG ĐẦU VÀ NHỮNG SỰ HỖ TRỢ

Chăm sóc trẻ sinh non có thể gây mệt mỏi cả về thể xác và tinh thần. Bạn có thể lo lắng về sức khỏe của con mình và những hậu quả lâu dài của sinh non. Bạn có thể cảm thấy giận dữ, mặc cảm có lỗi hoặc quá tải. Một số đề nghị sau có thể có ích cho bạn trong khoảng thời gian khó khăn này:

  • Tìm hiểu tất cả những gì có thể về tình trạng của con mình. Ngoài việc nói chuyện với bác sĩ, bạn có thể đọc các loại sách về sinh non và tìm kiếm trên Internet.
  • Tự chăm sóc bản thân. Nghỉ ngơi hết mức có thể và ăn uống hợp dinh dưỡng. Bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn và có khả năng chăm sóc con tốt hơn.
  • Duy trì nguồn cung cấp sữa. Dùng bơm sữa cho đến khi trẻ có thể bú mẹ được. Hãy hỏi các nhân viên y tế để được giúp đỡ nếu cần thiết.
  • Chấp nhận sự giúp đỡ từ những người khác. Cho phép bạn bè và gia đình giúp đỡ bạn. Họ có thể chăm sóc những đứa con khác của bạn, chuẩn bị thức ăn, lau nhà, hoặc làm những việc lặt vặt. Những điều này giúp bạn giữ được năng lượng để chăm sóc trẻ.
  • Viết nhật ký. Ghi lại những chi tiết về sự phát triển của trẻ cùng với những suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Bạn cũng có thể đính kèm hình của bé để có thể nhận thấy sự thay đổi của bé từ tuần này sang tuần khác.
  • Tìm một người biết lắng nghe để được hỗ trợ. Nói chuyện với chồng, bạn bè, gia đình, hoặc người chăm sóc trẻ. Hoặc có thể tìm những người cùng hoàn cảnh với mình. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy thật sự có ích khi nói chuyện với những bậc cha mẹ khác cũng đang chăm sóc trẻ sinh non.

Nên nhớ rằng chăm sóc trẻ sinh non là một thử thách lớn lao.

Theo Mayo Clinic - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases