Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
ERCP - Nội soi mật tụy ngược dòng
ERCP là chữ viết tắt của:
Endoscopic: nội soi
Retrograde: ngược dòng
Cholangio: mật
Pancreatography: tụy
Có nghĩa là "Nội soi mật tụy ngược dòng". Nội soi là thủ thuật dùng một thiết bị được gọi là ống nội soi - là một ống nhỏ và dẻo có 1 camera nhỏ và đèn gắn ở đầu. Bác sĩ thực hiện nội soi phải là một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa đã được trải qua 1 lớp huấn luyện về nội soi để chẩn đoán và điều trị nhiều loại bệnh của hệ tiêu hóa. Hệ tiêu hóa bao gồm dạ dày, ruột non, và những phần khác của cơ thể nối với ruột non bao gồm gan, tụy và túi mật.
Ngược dòng là từ dùng để chỉ hướng mà ống nội soi được dùng để bơm một loại chất lỏng giúp tia X có thể ghi nhận được hình ảnh của đường mật và tụy. Quá trình chụp X quang này được gọi là chụp mật tụy.
ERCP có thể có ích trong việc chẩn đoán và điều trị những bệnh gây vàng da, vàng mắt hoặc đau bụng. Để hiểu được ERCP giúp ích được những gì thì cũng cần phải biết sơ qua về tụy và hệ thống ống dẫn mật.
Mật là một chất được gan tạo ra và đóng vai trò quan trọng trong tiêu hóa và hấp thụ các chất béo. Mật được vận chuyển đi từ gan nhờ một hệ thống ống được gọi là các ống dẫn mật. Một trong số các ống dẫn mật, ống túi mật, nối túi mật với ống mật chính. Túi mật có chức năng dự trữ mật giữa các bữa ăn và co bóp để đẩy mật ngược trở lại vào các ống mật khi có thức ăn đưa vào ống tiêu hóa. Ống mật chủ sau đó sẽ đổ mật vào một đoạn của ruột non là tá tràng. Ống mật chủ đi vào tá tràng qua một cấu trúc có hình núm được gọi là nhú tá tràng (papilla).
Ống tụy chính từ tụy cũng kết hợp với ống mật chủ qua nhú tá tràng (papilla). Đường đi này giúp dịch tiêu hóa của tụy hòa lẫn với thức ăn trong ruột non.
Những bệnh của tụy và đường mật trong nhiều trường hợp có thể được chẩn đoán và điều trị qua ERCP.
Chẳng hạn như ERCP có thể có ích khi có một tắc nghẽn ở đường mật do sỏi mật, khối u, sẹo, hoặc những tình trạng khác gây tắc nghẽn hoặc chít hẹp các ống mật.
Tương tự, sự tắc nghẽn của các ống tụy do sỏi, khối u, hoặc chít hẹp cũng có thể được đánh giá và điều trị bằng ERCP, rất hữu ích trong việc đánh giá những nguyên nhân gây viêm tụy.
Những bệnh của đường mật hoặc tụy có thể có biểu hiện ban đầu là vàng da, vàng mắt hoặc đau bụng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy. Ngoài ra, còn có những thay đổi trong xét nghiệm máu cho thấy có sự bất thường của gan hoặc tụy.
Những khảo sát khác nhằm ghi hình nhờ tia X hoặc sóng âm có thể cung cấp được những thông tin quan trọng kết hợp với kết quả ghi nhận được từ ERCP.
Chuẩn bị thực hiện thủ thuật
Trước khi làm ERCP, có một số điều bạn cần nhớ:
- Trước tiên, không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong vòng 6 giờ trước hoặc sau nửa đêm nếu bạn được xếp lịch cho làm ERCP vào lúc sáng sớm.
- Hãy chắc chắn là mình đã khai hết cho bác sĩ biết tất cả những loại thuốc mà bạn đang sử dụng, trong đó có aspirin, những loại thuốc có chứa aspirin hoặc chất chống đông.
- Xác nhận những loại dị ứng hoặc bất kỳ phản ứng nào đối với thuốc mà bạn từng gặp, đặc biệt là đối với kháng sinh và những loại thuốc giảm đau.
- Tuân thủ theo tất cả những hướng dẫn của bác sĩ trong việc chuẩn bị thủ thuật.
ERCP có thể được thực hiện đối với những bệnh nhân ngoại trú (bệnh nhân có thể về nhà sau khi thực hiện thủ thuật) hoặc cần phải được nhập viện tùy theo từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ sẽ giải thích cho bạn về thủ thuật này cùng với những lợi ích và nguy cơ của nó, và bạn sẽ được yêu cầu ký vào bản cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật, Bản cam kết này xác nhận rằng bạn đã đồng ký thực hiện thủ thuật và đã hiểu tất cả những gì sẽ trải qua khi thực hiện thủ thuật.
Thực hiện thủ thuật
Mọi việc cần thiết sẽ được thực hiện nhằm giúp bạn cảm thấy thoải mái. Huyết áp, nhịp mạch và nồng độ oxy trong máu của bạn cũng sẽ được theo dõi sát. Bạn cũng sẽ được tiêm thuốc an thần vào tĩnh mạch ở cánh tay. Bạn sẽ cảm thấy lơ mơ nhưng vẫn còn tỉnh và vẫn có thể phối hợp được với bác sĩ trong quá trình thực hiện thủ thuật.
Mặc dù thường thì không cần đến thuốc tê toàn thể, nhưng bạn cũng có thể sẽ được xịt một ít thuốc tê cục bộ vào thành sau họng để làm giảm thiểu sự khó chịu khi ống nội soi được đưa qua họng để đi vào thực quản và xuyên qua dạ dày đến tá tràng.
Các bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi để quan sát niêm mạc của dạ dày và tá tràng. Bạn sẽ không cảm thấy đau nhưng có thể có cảm giác đầy bụng do khí có thể được bơm vào bên trong để giúp quan sát dễ hơn.
Ở tá tràng, dụng cụ nội soi sẽ nằm gần nhú tá tràng, là vị trí mà các ống dẫn chính đổ vào bên trong ruột non. Một ống nhỏ (được gọi là canule) được luồn dọc theo ống nội soi để đi vào ống tụy hoặc ống mật chủ. Dung dịch cản quang sẽ được bơm qua canule vào các ống tụy hoặc ống mật chủ theo chiều ngược dòng chảy của dịch mật/dịch tụy - đó là lý do vì sao có từ "ngược dòng" trong tên gọi của thủ thuật này.
Sau đó bệnh nhân sẽ được chụp X quang hình ảnh thuốc cản quang viền quanh các ống. Bằng cách này, các bác sĩ có thể phát hiện ra được những vị trí dãn, hẹp hoặc tắc nghẽn của các ống dẫn.
Một số vấn đề sau khi được phát hiện qua ERCP có thể được giải quyết luôn qua ống nội soi. Chẳng hạn như nếu sỏi làm bít tắc ống tụy hoặc ống mật chủ, thông thường có thể lấy nó đi được.
Đầu tiên, lỗ mở bên trong nhú tá tràng sẽ được cắt mở lớn ra. Sau đó, một dụng cụ chuyên dụng sẽ được đưa vào bên trong để lấy viên sỏi ra. Hẹp hoặc bít tắc cũng có thể có những nguyên nhân khác, chẳng hạn như sẹo hoặc khối u. Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể đặt một ống bằng nhựa hoặc bằng kim loại (được gọi là stent) để giúp đường dẫn được thông thoáng. Nếu cần thiết, một mẫu mô có thể được lấy ra ngoài để thực hiện sinh thiết, hoặc chỗ hẹp sẽ được nong rộng ra.
Những biến chứng có thể xảy ra do ERCP
Chúng ta có thể nói lời cám ơn với ERCP vì thủ thuật này có thể giúp bệnh nhân tránh không cần phải phẫu thuật. Tùy thuộc vào từng trường hợp và loại thủ thuật được thực hiện, ERCP có khoảng 5 đến 10% nguy cơ gặp biến chứng. Trong một số ít trường hợp có thể gặp những biến chứng nặng cần phải được nhập viện dài ngày.
Biến chứng thường gặp nhất là viêm tụy từ nhẹ đến nặng và có thể cần phải được nhập viện, thậm chí cần phẫu thuật. Có thể bệnh nhân sẽ bị chảy máu khi cắt nhú tá tràng để lấy sỏi ra ngoài hoặc đặt stent. Thông thường thì tình trạng chảy máu này sẽ tự ngưng, nhưng đôi khi cần phải truyền máu hoặc kiểm soát trực tiếp chảy máu bằng nội soi.
Đâm lủng thành ruột hoặc ống mật là một tai biến hiếm gặp của ERCP. Nhiễm trùng đôi khi cũng có thể xảy ra, đặc biệt là khi ống mật bị bít tắc và dịch mật không thể chảy được. Điều trị nhiễm trùng cần phải sử dụng kháng sinh và tái lập lại lưu thông dòng chảy. Cuối cùng, bệnh nhân có thể sẽ bị phản ứng với những loại thuốc sử dụng trong ERCP, nhưng điều may mắn là những phản ứng này thường nhẹ. Hãy trao đổi với bác sĩ về những lo lắng mà bạn có thể có về thủ thuật này.
Sau khi thực hiện
Nếu ở chế độ ngoại trú, sau khi làm ERCP, bạn sẽ cần phải được theo dõi cho đến khi các bác sĩ quyết định bạn có thể về nhà được. Đôi khi bạn cũng cần phải nhập viện.
Khi về nhà, hãy thu xếp để có người chở về do bạn có thể buồn ngủ vì thuốc an thần được sử dụng trong thủ thuật. Điều này cũng có nghĩa là bạn nên tránh điều khiển máy móc và tránh uống những chất có cồn trong vòng 1 ngày.
Bác sĩ sẽ thông báo cho bạn biết khi nào bạn có thể ăn và uống. Thông thường thì vào khoảng vài giờ sau phẫu thuật.
Do khí được bơm vào bụng khi thực hiện thủ thuật nên bạn có thể sẽ tiếp tục cảm thấy đầy bụng và đánh hơi một khoảng thời gian sau đó, bạn cũng có thể sẽ đi phân mềm hoặc thay đổi một ít về thói quen đi cầu của mình. Tuy nhiên, nếu phát hiện thấy có máu chảy ra từ trực tràng hoặc đi cầu phân đen hoặc giống hắc ín, hãy gọi cho bác sĩ.
Bạn cũng có thể bị nôn ói, đau bụng nặng nề, yếu ớt hoặc chóng mặt và sốt trên 38 độ nhưng điều may mắn là những vấn đề này rất hiếm khi gặp phải.
ERCP là một thủ thuật hiệu quả và hữu ích trong việc đánh giá hoặc điều trị một số vấn đề của hệ tiêu hóa.
Bác sĩ có thể sẽ xác định được sỏi kẹt ở ống mật chủ
Thuốc cản quang sẽ được bơm ngược dòng vào các ống dẫn giúp ghi hình X quang
Ống nội soi sẽ được luồn xuống thực quản, qua dạ dày và đi vào tá tràng. Một ống nhỏ sau đó sẽ được luồn xuống vào trong các ống dẫn.
Bác sĩ sẽ có thể lấy bỏ sỏi làm tắc nghẽn các ống dẫn bằng nội soi.
Theo American Gastroenterological Association - Y học NET dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net