Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Barrett thực quản

Barrett thực quản

Barrett thực quản là tình trạng lớp mô lát bên trong lòng thực quản (ống cơ nối từ miệng đến dạ dày) bị thay thế bởi lớp mô tương tự với niêm mạc ruột. Hiện tượng này được gọi là chuyển sản ruột.

Barrett không có dấu hiệu và triệu chứng đặc hiệu nhưng nó thường gặp ở những người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD - Gastroesophageal reflux disease). Một số ít trường hợp bị Barrett thực quản tiến triển thành một loại ung thư hiếm của thực quản nhưng có thể gây tử vong.

Barrett thực quản ảnh hưởng đến khoảng 1% người trưởng thành ở Hoa Kỳ. Độ tuổi trung bình khi được chẩn đoán là 50 nhưng thường khó có thể xác định được thời điểm khởi đầu thật sự của bệnh. Nam giới mắc bệnh nhiều gấp đôi phụ nữ và nam giới da trắng mắc bệnh nhiều hơn so với các dân tộc khác. Ít gặp Barrett thực quản ở trẻ em.

Thực quản

Thực quản vận chuyển thức ăn và chất lỏng từ miệng đến dạ dày. Dạ dày bơm chầm chậm thức ăn và các chất lỏng vào ruột rồi sau đó hấp thu những chất dinh dưỡng cần thiết vào cơ thể. Quá trình này diễn ra một cách tự động và thường con người không ý thức được nó. Đôi khi chúng ta có cảm giác được từ thực quản khi nuốt một thứ gì đó quá lớn, cố gắng ăn quá nhanh hoặc uống nước quá nóng hay quá lạnh.

Ống tiêu hóa

Ống tiêu hóa

Bình thường các lớp cơ của thực quản bị túm lại với nhau ở 2 đầu trên và dưới bởi các cơ vòng. Khi nuốt, cơ vòng giãn ra cho phép thức ăn hoặc thức uống trôi qua từ miệng xuống đến dạ dày. Sau đó cơ vòng sẽ nhanh chóng đóng lại để ngăn không cho thức ăn hoặc thức uống trào từ dạ dày ngược trở lại thực quản và miệng.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

[xem thêm tại đây:Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)]

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là một thể nặng của hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản (GER - gastroesophageal reflux). GER xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới tự động mở ra vào nhiều lúc khác nhau hoặc không đóng lại hết làm cho những chất có trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản. Hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản còn được gọi là trào ngược acid hoặc ợ chua (ợ ra acid) do dịch vị có bản chất là acid cũng trào ngược trở lại cùng với thức ăn.

Khi bị trào ngược, ta có thể thấy được vị của thức ăn ở phía sau miệng. Khi acid dạ dày trào ngược lên tiếp xúc với lớp niêm mạc thực quản nó có thể gây ra cảm giác nóng rát ở ngực hoặc cổ họng. Nếu đôi khi bạn bị ợ chua thì đó là một hiện tượng thường gặp và không nhất thiết có nghĩa là bạn đã bị GERD.

Chỉ khi hiện tượng trào ngược kéo dài dai dẳng và xảy ra hơn 2 lần mỗi tuần mới được xem là bị GERD và có thể dẫn đến những vấn đề khác về sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nói chung, có khoảng 10 đến 20% người Mỹ có triệu chứng GERD mỗi ngày nên nó trở thành loại bệnh thường gặp nhất. GERD có thể gặp ở mọi độ tuổi.

Các triệu chứng của GERD thường sẽ thuyên giảm bởi những loại thuốc thông dụng có chức năng giảm acid được gọi là các thuốc kháng acid. Một số loại kháng acid thường gặp:

  • Alka-Seltzer
  • Maalox
  • Mylanta
  • Pepto-Bismol
  • Riopan
  • Rolaids

Một số loại thuốc khác được sử dụng để làm giảm triệu chứng của GERD là thuốc chống chế tiết chẳng hạn như chẹn H2 và thuốc ức chế bơm proton. Một số chẹn H2 thường gặp là:

  • cimetidine (Tagamet HB)
  • famotidine (Pepcid AC)
  • nizatidine (Axid AR)
  • ranitidine (Zantac 75)

Một số thuốc ức chế bơm proton thường gặp là:

  • esomeprazole (Nexium)
  • lansoprazole (Prevacid)
  • omeprazole (Prilosec, Zegerid)
  • pantoprazole (Protonix)
  • rabeprazole (Aciphex)

Nếu bạn thấy mình xuất hiện những triệu chứng của GERD, bạn nên đến gặp bác sĩ do nếu GERD không được điều trị trong một thời gian dài nó có thể dẫn đến những biến chứng như loét gây chảy máu. Những vết sẹo hình thành do sự tổn thương mô có thể dẫn đến hẹp thực quản gây khó nuốt. GERD còn có thể gây khàn tiếng, ho kéo dài và hen.

GERD và Barrett thực quản

Nguyên nhân thật sự gây Barrett thực quản vẫn chưa được tìm ra nhưng GERD chính là yếu tố nguy cơ cho bệnh này. Mặc dù có những bệnh nhân không bị GERD vẫn có thể bị Barrett thực quản nhưng người ta phát hiện ra rằng Barrett thực quản xuất hiện nhiều gấp 3 đến 5 lần ở những người bị GERD.

Do Barrett thực quản thường gặp ở những người bị GERD nên hầu hết các bác sĩ đều khuyên bệnh nhân nên điều trị GERD bằng các thuốc giảm acid.

Cải thiện triệu chứng GERD có thể làm giảm nguy cơ bị Barrett thực quản. Điều trị bằng phẫu thuật có thể sẽ được nghĩ đến nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả.

Chẩn đoán Barrett thực quản

Do Barrett thực quản không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nên nhiều bác sĩ khuyên những người trên 40 tuổi bị GERD trong nhiều năm nên đi nội soi và sinh thiết để kiểm tra.

Thực quản bình thường

Thực quản bình thường

Barrett thực quản

Barrett thực quản

Barrett thực quản chỉ có thể được chẩn đoán bằng cách nội soi đường tiêu hóa trên để sinh thiết thực quản. Khi nội soi, sau khi bệnh nhân được cho thuốc an thần, bác sĩ sẽ lấy một ống dẻo có gắn đèn và camera nhỏ ở đầu đưa vào thực quản. Nếu mô thực quản có biểu hiện đáng nghi ngờ, bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ có dạng tương tự như chiếc kẹp đưa vào thực quản qua ống soi để lấy một vài mảnh mô nhỏ. Các chuyên gia giải phẫu bệnh sẽ khảo sát những mảnh mô được lấy ra đó qua kính hiển vi để xác định chẩn đoán.

Nguy cơ ung thư thực quản đối với Barrett thực quản

Bệnh nhân bị ung thư thực quản có nguy cơ thấp đối với ung thư biểu mô tuyến thực quản. Tỷ lệ bệnh nhân Barrett thực quản bị ung thư biểu mô tuyến thực quản thấp hơn 1% mỗi năm. Barrett thực quản có thể kéo dài vài năm trước khi xuất hiện ung thư. Ung thư biểu mô tuyến thực quản thường không được phát hiện ra cho đến giai đoạn trễ khi việc điều trị không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Theo dõi loạn sản và ung thư

Những người bị Barrett thực quản thường được khuyến khích nội soi định kỳ cùng với sinh thiết để phát hiện dấu hiệu báo động của ung thư ở giai đoạn sớm.

Thông thường, trước khi ung thư thực quản xuất hiện, những tế bào tiền ung thư sẽ xuất hiện ở mô của Barrett. Tình trạng này được gọi là loạn sản và chỉ có thể phát hiện được qua sinh thiết. Nên thực hiện sinh thiết nhiều chỗ do tình trạng loạn sản có thể bị bỏ qua nếu chỉ sinh thiết ở một chỗ. Phát hiện và điều trị loạn sản có thể ngăn ngừa sự phát triển của ung thư.

Điều trị Barrett thực quản cùng với loạn sản hoặc ung thư như thế nào?

Có thể Barrett thực quản kèm theo loạn sản nặng hoặc ung thư sẽ được điều trị qua nội soi hoặc qua phẫu thuật. Bác sĩ sẽ giới thiệu cho bạn biết những khả năng để bạn có thể lựa chọn và giúp bạn xác định được phương thức điều trị tốt nhất cho mình.

Nội soi

Một số cách điều trị qua nội soi có thể được thực hiện để điều trị loạn sản hoặc ung thư. Lớp niêm mạc Barrett sẽ bị phá hủy hoặc phần niêm mạc bị loạn sản hoặc ung thư sẽ bị cắt bỏ. Mục tiêu điều trị là kích thích mô thực quản bình thường thay thế lớp niêm mạc Barrett đã bị phá hủy.

  • Liệu pháp quang động học (PDT - Photodynamic Therapy): phương pháp này sử dụng một chất nhạy sáng có tên là Photofrin và tia laser để tiêu diệt những tế bào tiền ung thư và tế bào ung thư. Photofrin sẽ được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân 48 giờ trước khi thực hiện thủ thuật. Sau đó tia laser sẽ được chiếu xuyên qua nội soi và hoạt hóa Photofrin để tiêu diệt mô Barrett trong thực quản. Những biến chứng của PDT bao gồm đau ngực, nôn ói, nhạy cảm với ánh sáng mặt trời trong vòng vài tuần, và hẹp thực quản.
  • Cắt niêm mạc qua nội soi (EMR - Endoscopic Mucosal Resection): là phương pháp nâng lớp niêm mạc Barrett lên và bơm một loại dung dịch vào bên dưới hoặc để ống hút vào đó sau đó cắt bỏ nó đi. Sau đó lớp niêm mạc này sẽ được lấy ra ngoài qua nội soi. Nếu dùng phương pháp này để điều trị ung thư, trước tiên phải làm siêu âm qua nội soi để bảo đảm ung thư chỉ liên quan đến lớp trên cùng của các tế bào thực quản. Siêu âm là phương pháp dùng sóng âm dội vào thành thực quản để tạo thành hình ảnh trên màn hình. Những biến chứng của EMR bao gồm chảy máu hoặc rách thực quản. Đôi khi người ta sử dụng kết hợp EMR với PDT.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ gần như toàn bộ thực quản được thực hiện ở những bệnh nhân Barrett bị loạn sản nặng hoặc ung thư và có thể chịu đựng được cuộc phẫu thuật. Nhiều bệnh nhân bị Barrett thực quản lớn tuổi và có những bệnh khác khiến không thể phẫu thuật được. Ở những bệnh nhân này có thể xem xét điều trị qua nội soi ít xâm lấn hơn. Phẫu thuật sớm sau khi được chẩn đoán bị loạn sản nặng hoặc ung thư cho cơ hội được chữa khỏi cao. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, nhưng thường bao gồm các thao tác: cắt bỏ gần như hoàn toàn thực quản, kéo phần dạ dày lên ngực và nối nó với phần còn lại của thực quản.

Những điểm cần nhớ

  • Khi bị Barrett thực quản, lớp mô lát bên trong lòng thực quản bị thay thế bởi lớp mô tương tự như niêm mạc ruột non.
  • Barrett thực quản thường có liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Cải thiện triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản với thuốc làm giảm acid có thể làm giảm nguy cơ bị Barrett thực quản.
  • Barrett thực quản được chẩn đoán dựa vào sinh thiết qua nội soi đường tiêu hóa trên
  • Những người bị Barrett thực quản nên được nội soi và sinh thiết định kỳ để theo dõi.
  • Điều trị qua nội soi để tiêu hủy các mô Barrett và hy vọng chúng sẽ được thay thế bởi mô thực quản bình thường.
  • Phẫu thuật cắt bỏ hầu hết thực quản được thực hiện ở những bệnh nhân Barrett thực quản bị loạn sản nặng hoặc ung thư và có thể chịu đựng được phẫu thuật.

Theo National Digestive Diseases Information Clearinghouse - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases