Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Đại cương Răng Hàm Mặt

I. Các bộ răng
1. Bộ răng sữa

  • Răng sữa có vai trò rất quan trọng trong
    • Tiêu hoá: nhai nghiền thức ăn.
    • Giữ khoảng cho răng vĩnh viễn.
    • Phát âm và thẩm mỹ.
    • Đồng thời, kích thích sự phát triển của xương hàm nhất là sự phát triển chiều cao cung răng qua hoạt động nhai.
  • Bộ răng sữa gồm 20 chiếc.
Ở mỗi phần tư hàm, có hai răng cửa (răng cửa giữa và răng cửa bên), một răng nanh và hai răng hàm (răng cối thứ nhất và răng cối thứ hai)

  • Tên răng Ký kiệu
    • Răng cửa giữa là răng sữa số 1
    • Răng cửa bên 2
    • Răng nanh 3
    • Răng hàm thứ nhất (cối 1) 4
    • Răng hàm thứ hai (cối 2) 5
2. Bộ răng vĩnh viễn
  • Gồm 32 chiếc, ở mỗi phần tư hàm, có hai răng cửa (răng cửa giữa và răng cửa bên), một răng nanh, các răng này thay thế cho các răng sữa cùng tên tương ứng; hai răng hàm nhỏ (răng hàm nhỏ thứ nhất và răng hàm nhỏ thứ hai, thay thế cho các răng hàm sữa) và ba răng hàm lớn (răng hàm lớn thứ nhất, răng hàm lớn thứ hai và răng hàm lớn thứ ba; các răng này không thay thế cho răng sữa nào cả, đặc biệt răng hàm lớn thứ nhất còn gọi là răng-sáu-tuổi mọc lên rất sớm, cùng tồn tại với các răng sữa nên rất dễ nhầm với răng sữa và không chăm sóc đúng mức).

  • Răng vĩnh viễn
    • 1: Răng cửa giữa và răng cửa bên trên
    • 2: Răng cửa giữa và răng cửa bên dưới
    • 3: Răng nanh trên
    • 4: Răng nanh dưới
    • 5: Răng hàm nhỏ thứ nhất, thứ hai trên
    • 6: Răng hàm nhỏ thứ nhất, thứ hai dưới
    • 7: Răng hàm lớn thứ nhất, thứ hai và răng khôn trên
    • 8: Răng hàm lớn thứ nhất, thứ hai và răng khôn dưới 1 35 7 2 6 4 8
  • Ký hiệu
    • Răng cửa giữa là răng vĩnh viễn số 1
    • Răng cửa bên 2
    • Răng nanh 3
    • Răng hàm nhỏ thứ nhất (cối nhỏ 1) 4
    • Răng hàm nhỏ thứ hai (cối nhỏ 2) 5
    • Răng hàm lớn thứ nhất (cối lớn 1: răng-sáu-tuổi) 6
    • Răng hàm lớn thứ hai (cối lớn 2: răng-mười-hai-tuổi) 7
    • Răng hàm lớn thứ ba (cối lớn 3: răng khôn) 8
3. Bộ răng hỗn hợp
  • Gồm răng sữa và răng vĩnh viễn cùng tồn tại trên cung hàm trong khoảng từ 6-12 tuổi.
II. Cách gọi tên răng theo Liên Đoàn Nha Khoa Quốc Tế (FDI) 10/1970
  • Để gọi đầy đủ và gọn tên các răng theo vị trí phải trái, trên dưới, người ta dùng hai chữ số ký hiệu là xy:
1. Chữ số đầu (x) chỉ vùng
  • Răng hai hàm đựơc chia thành 4 vùng:
1.1. Đối với răng vĩnh viễn
  • Vùng 1: cho tất cả các răng hàm trên bên phải.
  • Vùng 2: cho tất cả các răng hàm trên bên trái.
  • Vùng 3: cho tất cả các răng hàm dưới bên trái.
  • Vùng 4: cho tất cả các răng hàm dưới bên phải.
1.2. Đối với răng sữa
  • Vùng 5: cho tất cả các răng hàm trên bên phải.
  • Vùng 6: cho tất cả các răng hàm trên bên trái.
  • Vùng 7: cho tất cả các răng hàm dưới bên trái.
  • Vùng 8: cho tất cả các răng hàm dưới bên phải.
2. Chữ số sau (y) chỉ loại răng
  • Sơ đồ 1: Bốn vùng của răng vĩnh viễn Sơ đồ 2: Bốn vùng của răng sữa.

  • Ví dụ:
    • Gọi tên răng hàm lớn thứ hai hàm trên bên phải vĩnh viễn là răng 17.
    • Gọi tên răng hàm thứ nhất hàm dứơi bên trái sữa là răng 74.
III. Các phần của răng
  • Răng có hai phần: Thân răng và chân răng, được phân cách bởi cổ răng giải phẫu.
1. Thân răng
  • Là phần trông thấy được ở trên cổ răng giải phẫu,
  • Thân răng có 5 mặt:
    • Mặt nhai (của răng hàm), rìa cắn (của nhóm răng cửa trước): qua đó, có sự tiếp xúc các răng hàm đối diện để cắn xé, nhai, nghiền thức ăn. Ở mặt nhai có các núm (múi) răng, được phân cách nhau bởi các rãnh.
    • Mặt ngoài: còn gọi là mặt má (hành lang) đối với răng hàm, mặt môi (tiền đình) đối với răng trước cửa.
    • Mặt trong: còn gọi là mặt vòm miệng đối với các răng hàm trên, mặt lưỡi đối với các răng hàm dưới.Hai mặt bên: mặt gần là mặt bên của răng nằm gần đường giữa, mặt xa là mặt bên của răng nằm xa đường giữa.
2. Chân răng
  • Là phần được cắm vào xương ổ răng của xương hàm, được che phủ trên cùng bởi lợi bám ở cổ răng, tận cùng bằng chóp chân răng. Số lượng chân tùy loại răng và vị trí của nó:
2.1. Đối với răng vĩnh viễn
  • Một chân: các răng cửa, răng nanh, các răng hàm nhỏ hàm dưới, răng hàm nhỏ thứ hai hàm trên.
  • Hai chân: răng hàm nhỏ thứ nhất hàm trên (gồm một chân ngoài và một chân trong), răng hàm lớn thứ nhất và răng hàm lớn thứ hai hàm dưới (gồm một chân xa và một chân gần).
  • Ba chân: răng hàm lớn thứ nhất và thứ hai hàm trên (gồm hai chân ngoài và một chân trong).
  • Số chân bất thường: răng khôn và các trường hợp ngoại lệ ở các răng khác có số lượng chân thay đổi.
2.2. Đối với răng sữa
  • Một chân: các răng cửa, răng nanh.
  • Hai chân: các răng hàm (cối) dưới (gồm một chân xa và một chân gần).
  • Ba chân: các răng hàm (cối) trên (gồm hai chân ngoài và một chân trong).
IV. Cấu trúc răng
  • Răng được cấu tạo bởi ba thành phần: men, ngà và tủy răng.
1. Men răng
  • Men răng là thành phần cứng nhất cơ thể, gồm 96% vô cơ, chủ yếu là Hydroxy apatit, 3% nước, 1% hữu cơ. Men bao phủ thân răng, hầu như không có cảm giác.
2. Ngà răng
  • Ngà răng ít cứng hơn men răng, gồm 70% vô cơ, 30% hữu cơ và nước, ngà liên tục từ thân đến chân răng, tận cùng ở chóp răng (Apex), trong lòng chứa buồng tủy và ống tủy. Ngà có cảm giác vì chứa các ống thần kinh Tomes.
3. Tủy răng
  • Tuỷ răng là mô lỏng lẻo trong buồng và ống tủy, là đơn vị sống chủ yếu của răng. Trong tủy có mạch máu, thần kinh, bạch mạch ...



V. Phân biệt răng sữa và răng vĩnh viễn
1. Thân răng
  • Thân răng sữa thấp hơn răng vĩnh viễn, kích thước gần-xa lớn hơn chiều cao.
  • Mặt nhai thu hẹp nhiều
  • Cổ răng thắt lại nhiều và thu hẹp hơn.
  • Lớp men và ngà mỏng hơn
  • Màu răng sáng hơn, thành phần vô cơ ít hơn.
  • Răng cửa và răng nanh sữa nhỏ và không thanh như răng vĩnh viễn: chiều gần-xa nhỏ hơn nhng chiều ngoài-trong phồng hơn.
  • Răng hàm sữa lớn hơn răng hàm nhỏ vĩnh viễn, cần phân biệt kỹ với răng hàm lớn thứ nhất vĩnh viễn.
2. Tuỷ răng
  • Tủy răng sữa lớn hơn nếu so theo tỉ lệ kích thước thân răng.
  • Sừng tủy nằm gần đường nối men-ngà hơn.
  • Có nhiều ống tủy phụ .
  • Vì vậy, khi điều trị sâu răng sữa, cần lưu ý không làm tổn thương tủy; khi viêm tủy thì phản ứng rất nhanh và dễ bị hoại tử.
3. Chân răng
  • Chân răng cửa và răng nanh sữa dài và mảnh hơn nếu so theo tỉ lệ với kích thước thân răng.
  • Chân răng hàm sữa tách nhau ở gần cổ răng hơn và càng về phía chóp thì càng tách xa hơn.Vì vậy, chân răng sữa dễ bị gãy khi nhổ răng.

    • A: chiều dày lớp men răng sữa mỏng hơn
    • B: chiều dày lớp ngà ở hố rãnh răng sữa tương đối dày hơn.
    • C : tỉ lệ buồng tuỷ răng sữa lớn hơn và sừng tuỷ nằm gần đường nối men ngà hơn.
    • D: gờ cổ răng sữa nhô cao.
    • E: trụ men răng sữa nghiêng về mặt nhai
    • F: cổ răng sữa thắt lại rõ rệt và thu hẹp hơn
    • G: chân răng sữa dài và mảnh hơn (so với kích thước thân răng).
    • H: chân răng hàm sữa tách ra ở gần cổ răng hơn và càng gần về phía chóp thì càng tách xa hơn.

  • BỆNH LÝ CỦA LƯỠI
    • Lưỡi là một cơ quan có nhiều cơ, được bao phủ bởi niêm mạc lưỡi, nằm ở nền miệng và ở phía trước hầu. Lưỡi có nhiệm vụ quan trọng trong việc nhai, nuốt, nói và nếm nên khi bị tổn thương thường làm bệnh nhân rất khó khăn trong việc ăn uống, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng sống. Các bệnh lý ở lưỡi có thể chỉ là những sang thương nhẹ tại chỗ, nhưng cũng có thể do một bệnh lý trầm trọng khác gây nên.
    • I. NGUYÊN NHÂN:
      - Bất thường về giải phẫu làm lưỡi thay đổi hình dạng như to lên, dài ra hay bị nứt...
      - Nhiễm trùng: Thường do virus, nấm hay vi khuẩn.
      - Chấn thương: Thường gặp do tai nạn giao thông, đánh nhau, cắn phải lưỡi khi nhai hay do răng quá sắc...
      - Suy giảm miễn dịch: HIV/AIDS hoặc dùng corticosteroid lâu ngày...
      - Suy dinh dưỡng do chế độ ăn không hợp lý dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt, thiếu vitamin B12 hay Folate...
      - Ung thư: Thường gặp là dạng carcinoma tế bào vẩy, hiếm hơn là Lymphoma dạng Non-Hodgkin hay Kaposi’s sarcoma.
      - Do thuốc như: Thuốc hạ áp, corticosteroid, NSAID...
      - Bệnh về máu hay bệnh toàn thân...
    • II. CÁC BỆNH LÝ LƯỠI THƯỜNG GẶP:
      A. Bất thường về giải phẫu lưỡi:
      1. Chứng cứng lưỡi (Ankyloglossia):

      Là một sự phát triển bất thường và ít gặp của lưỡi. Ðặc trưng của bệnh là cử động thè lưỡi ra hay đá lưỡi qua lại rất khó khăn. Bệnh làm cho vấn đề vệ sinh vùng miệng bị giới hạn nhưng hiếm khi gây rối loạn phát âm, có thể chỉ gây rối loạn nhẹ cho người bệnh. Cần phân biệt nguyên nhân cứng lưỡi này (do sự phát triển bất thường) với chứng cứng lưỡi do bị sẹo sau chấn thương lưỡi, dạng Pemphigus niêm mạc hay bóng nước tiêu hủy biểu bì niêm mạc (mucosal epidermolysis bullosa). Ðiều trị bằng phẫu thuật chỉnh hình đơn giản khi cử động của lưỡi quá bị giới hạn.

      2. Chứng nứt lưỡi (Fissured tongue):

      Nứt lưỡi thường xảy ra ở phần lưng của lưỡi và hay gặp ở những bệnh nhân bị hội chứng Down, hội chứng Melkerson - Rosenthal (sưng mặt, nứt lưỡi và liệt mặt), Sarcoidosis, bệnh Crohn và thường nhất là viêm lưỡi di trú (Erythema Migrans hoặc geographic tongue). Nứt lưỡi có thể không cần điều trị vì chỉ gây khó chịu, có thể dùng Benzydamine hydrochloride 0,15% súc miệng hay xịt vào chỗ nứt.

      3. Chứng nhú lưỡi to bất thường (prominent papillae):
      Bình thường cấu trúc của niêm mạc lưng lưỡi lởm chởm, có 5-6 loại nhú: nhú dạng chỉ, nhú dạng nón, nhú dạng nấm, nhú dạng đài và nhú dạng lá. Trong đó nhú dạng đài nằm ở chỗ nối 2/3 trước và 1/3 sau của lưng lưỡi, còn nhú dạng lá nằm ở hướng sau bên. Những nhú này có thể to lên bất bình thường sau một chấn thương lưỡi nhưng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người bệnh.

      4. Chứng lưỡi lớn (macroglossia):

      Tình trạng này hiếm gặp và có thể là hậu quả của những sang thương bẩm sinh (u mạch, u mạch bạch huyết, bệnh u xơ thần kinh hay còn gọi là bệnh Von Recklinghausen), hội chứng Down, hội chứng Hurler, suy giáp hay đi kèm với chứng to đầu chi và chứng thoái hóa dạng tinh bột (amyloidosis).
      Lưỡi có thể chỉ hơi lớn hay rất to không thể chứa hết trong miệng được. Nếu lưỡi to ra từng đợt cộng với sưng mô mềm thì đây là đặc trưng của phù mạch thứ phát. Thoái hóa dạng tinh bột hiếm khi làm lưỡi to đồng đều mà thường biểu hiện là những nốt ở trên lưỡi. Lưỡi to do u mạch có biểu hiện là những sang thương tại chỗ hoặc lan rộng màu đỏ tía hay đỏ rực. Còn u mạch bạch huyết trên lưỡi thì có đặc trưng màu vàng và giống như trứng ếch.
      Ðiều trị: Những sang thương do u mạch ít khi cần phải điều trị. Nếu lưỡi quá to, có thể dùng đến biện pháp phẫu thuật, làm tắc mạch hay làm xơ cứng mạch. Tiên lượng của thoái hóa dạng tinh bột thường nghèo nàn.
    • B. Nhiễm nấm:
      1. Lưỡi mọc lông (black hairy tongue):

      Nhìn vào lưỡi có thể thấy những mảng đen hay nâu dày rất giống như lưỡi mọc lông, nhưng thật ra không phải như vậy mà là do những nhú dạng chỉ của lưỡi đen bất thường. Nó có thể xuất hiện sau khi dùng kháng sinh phổ rộng hay do vấn đề vệ sinh miệng kém. Căn nguyên chưa rõ nhưng cũng có những quan điểm cho rằng do nhiễm nấm tạo ra sắc tố như Aspergillus niger.
    • 2. Nhiễm nấm Candida:

      Bề mặt niêm mạc lưỡi có thể bị ảnh hưởng do nhiễm Candida ở niêm mạc miệng. Những biểu hiện đặc trưng như: có màng giả mịn trên lưỡi có thể cậy ra được, teo niêm mạc (mucosal atrophy) hay teo nhú lưỡi (papillary atrophy). Tác nhân gây bệnh thường là Candida albicans và hay gặp ở những bệnh nhân bị tổn thương miễn dịch.
      Xử trí: Dùng thuốc kháng nấm tại chỗ như Amphotericin B viên ngậm (lozenge), Nystatin dạng mỡ hoặc Miconazole dạng gel.

      C. Nhiễm virus:
      1. Nhiễm Herpes simplex:
      Viêm nướu răng và niêm mạc miệng nguyên phát do herpes thường xảy ra ở trẻ nhỏ với biểu hiện nướu bị sưng đỏ, có những bóng nước nhỏ mọc thành từng đám ở niêm mạc miệng và trên lưỡi. Những bóng nước này khi vỡ ra sẽ tạo thành những vết loét làm bệnh nhân rất đau.
      Xử trí: Súc miệng bằng nước muối hay nước súc miệng, uống nhiều nước và dùng thuốc kháng virus Ancilovir có thể hữu ích cho bệnh nhân, đặc biệt là ở những người bị tổn thương miễn dịch

      2. Nhiễm Herpes zoster: Nhiễm Herpes zoster có thể ảnh hưởng tới bất kỳ nhánh nào của dây thần kinh sinh ba, do đó có thể ảnh hưởng đến lưỡi. Triệu chứng gồm có những bóng nước thường ở một bên, sau đó vỡ ra tạo thành những vết loét gây đau đớn. Xử trí giống như nhiễm Herpes simplex.

      3. Bệnh tay, chân và miệng (Hand, foot and mouth disease):

      Do nhiễm Coxsackievirus. Ngoài những sang thương đặc trưng ở tay, chân, virus có thể gây ra những bóng nước hay những vết loét nhỏ do bóng nước vỡ ra ở trong miệng và trên lưỡi. Nhiễm trùng thường tự khỏi, nếu có điều trị chỉ là điều trị triệu chứng.
    • D. Chấn thương:
      Lưỡi thường bị tổn thương khi bị chấn thương vùng miệng và mặt, nhất là ở trẻ em do tai nạn, răng quá sắc, do răng giả hay cắn phải trong khi nhai. Chấn thương có thể làm cho lưỡi bị rách ít hoặc phức tạp, gây chảy máu nhiều làm mất máu, hay trầm trọng hơn là gây bít tắc đường thở khiến bệnh nhân tử vong. Với những chấn thương nhỏ lặp đi lặp lại, có thể tạo ra những quầng trắng lõm lan tỏa hoặc đưa đến quá sản mô sợi tạo nên polyp biểu mô sợi.


      Xử trí: Nếu vết rách chỉ chảy máu ít thì thường sẽ tự lành, nếu không cầm máu được thì cần đến bệnh viện để khâu lại. Nên đến bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để được xử trí về vấn đề răng sắc và răng giả - là những nguyên nhân gây chấn thương. Với polyp, nếu kích thước quá lớn gây mất thẩm mỹ thì có thể đến bệnh viện cắt bỏ đi.
    • E. Nguyên nhân miễn dịch
    • 1. Viêm lưỡi di trú: Thường không có triệu chứng và gặp ở những bệnh nhân hay bị dị ứng. Sang thương có thể là những vùng hơi đỏ dạng teo có viền bao bọc màu vàng nhẹ, thường nằm trên mặt lưng của lưỡi nhưng cũng có thể xuất hiện (tuy ít gặp hơn) ở mặt trước bụng lưỡi hay sàn miệng. Ðường kính của sang thương thường nhỏ hơn 1cm, nhưng trong một số trường hợp có thể thấy đường kính to hơn nhiều. Bệnh không nguy hiểm và thường tự khỏi. Chỉ cần điều trị triệu chứng như giảm đau, súc miệng và uống viên đa sinh tố.

    • 2. Loét lưỡi Apthae:
    • Thường là hậu quả của loét miệng Apthae và hay tái đi tái lại khiến bệnh nhân rất khó chịu vì đau. Loét thường làm ảnh hưởng đến chức năng nhai và phát âm. Theo thống kê có đến 25% dân số bị tình trạng này. Nguyên nhân vẫn chưa rõ nhưng có khả năng liên quan đến việc thiếu máu. Triệu chứng đặc trưng là những vết loét xuất hiện ở mặt bụng lưỡi hay ở chóp lưỡi và thường rơi vào 1 trong 3 dạng loét nhỏ nhỏ hơn 10mm, loét lớn lớn hơn 10mm hoặc dạng giống Herpes. Cần làm thêm các xét nghiệm để xem có bị thiếu máu hay không?
      Xử trí:
      * Ða số đáp ứng với Corticosteroid bôi tại chỗ. Có thể dùng Triamcinolone acetonide 0,1% hay Hydrocortisone hemisuccinate lozenges 2,5mg bôi vào vết loét 4 lần/ ngày.
      * Ðối với dạng giống Herpes có thể dùng Tetracycline viên 250mg hòa tan với 15ml nước để súc miệng. Cần ngậm trong miệng từ 3-5 phút mới nhổ ra. Tuy nhiên tránh sử dụng khi có thai. Ngoài ra cũng có thể dùng Chlorhexidine gluconate 0,2% để súc họng.
      Nếu điều trị trên vẫn không đáp ứng thì nên đi khám tại chuyên khoa tai mũi họng hoặc răng miệng để được điều trị thích hợp.

      3. Lichen phẳng (Lichen planus):


      Thường gặp ở tuổi trung niên và người cao tuổi. Ða số không rõ căn nguyên nhưng một ít trường hợp là do việc sử dụng một số loại thuốc như: thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển, Sulphonyureas và các loại kháng viêm không steroid... hay hiếm hơn là sau khi chữa răng.
      Biểu hiện lâm sàng của bệnh là những mảng trắng ở mặt lưng hay bờ bên của lưỡi và niêm mạc má, thường xuất hiện ở cả 2 bên, có thể có loét hoặc không. Cũng có thể xuất hiện tình trạng viêm lợi tróc vẩy kèm theo.
      Ðiều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng với Corticosteroid bôi tại chỗ. Tuy nhiên, do có khả năng tiến triển tới ung thư nên cần đi khám định kỳ để có thể can thiệp kịp thời.
    • F. U bướu hay những sang thương có khuynh hướng ác tính hóa:
    • 1. Bạch sản:

      là những mảng trắng đồng đều thường xuất hiện ở bờ bên của lưỡi và sàn miệng. Ða số là lành tính nhưng vẫn có khoảng 5% hóa ác. Do đó, nếu gặp trường hợp này cần phải đến một bác sĩ chuyên khoa ung bướu để được làm sinh thiết nhằm có thể đánh giá được mức độ loạn sản của sang thương.

      2. Ung thư lưỡi:


      Thường gặp là ung thư tế bào vẩy. Ðây là loại ung thư thường gặp nhất ở vùng miệng và lưỡi. Ung thư có thể xuất hiện dưới hình thức là một bạch sản trước đó hay hoàn toàn không có triệu chứng gì. Những yếu tố được xem là có liên quan đến ung thư lưỡi là hút thuốc và nghiện rượu. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Triệu chứng thường gặp là phát hiện thấy một vết loét đơn độc lâu ngày, màu trắng hay đỏ ở bờ bên của lưỡi, không đau. Trường hợp này cũng cần được làm sinh thiết để xác định chẩn đoán.
    • III. ÐIỀU TRỊ CHUNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA:
      Ða số các bệnh lý của lưỡi thường nhẹ, lành tính, chủ yếu là gây nên những khó chịu, phiền toái cho bệnh nhân. Ðiều trị triệu chứng vẫn là chủ yếu. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng là:
      * Súc miệng: Có rất nhiều loại dung dịch súc miệng được bán ở các nhà thuốc như Chlorhexidine gluconate 0,2% hay đơn giản và thuận tiện hơn là súc miệng bằng nước muối cũng có hiệu quả.
      * Các thuốc bôi tại chỗ: Có thể sử dụng corticoid bôi tại chỗ như Triamcinolone acetonide 0,1% hay Hydrocortisone hemisuccinate lozenges 2,5mg bôi vào chỗ loét hay sang thương 4 lần/ngày.
      * Các thuốc uống toàn thân: Kháng sinh khi bị nhiễm khuẩn, thuốc kháng virus như Acilovir hay thuốc kháng nấm khi bị nhiễm nấm. Tuy nhiên liều lượng và cách dùng vẫn phải do các bác sĩ và dược sĩ chỉ định.
      * Các biện pháp khác:
      - Khi bị chấn thương, nếu thấy chảy máu nhiều thì phải lập tức đến bệnh viện ngay.
      - Những trường hợp bất thường về giải phẫu có thể đến bệnh viện để được phẫu thuật chỉnh hình.
      - Ngưng ngay các thuốc đang uống nếu nghi ngờ nguyên nhân là do thuốc.
      - Các trường hợp khối u sẽ được phẫu thuật hay xạ trị.
      * Phòng ngừa:
      - Vệ sinh răng miệng đều đặn, súc miệng nước muối thường xuyên.
      - Không được tự tiện dùng thuốc nếu không hiểu biết về thuốc hoặc không có chỉ định của bác sĩ hay dược sĩ.
      - Cần ăn uống đầy đủ các chất, có thể dùng viên vitamin mỗi ngày.
      - Nếu thấy có vết loét lâu ngày không lành hay khối u bất thường thì phải đến khám bác sĩ ngay.
      Tóm lại, đa số các bệnh ở lưỡi đều lành tính và chỉ cần điều trị triệu chứng, tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhất định những sang thương ở lưỡi chính là biểu hiện của một bệnh ác tính nào đó. Do đó, cần đến khám ở chuyên khoa tai mũi họng hay răng hàm mặt ngay nếu thấy có những bất thường ở lưỡi.
      Copyright © BsDanY.Com 2007 - 2010. All Rights Reserved.

      **********************************************
  • U xương hàm do răng
    • 1. ĐẠI CƯƠNG.
      • U xương hàm do răng là bệnh lý của các khối u phần xương vùng hàm mặt.
      1.1. Điểm tài liệu:
      • Lần đầu tiên vào năm 1664: Scultet mô tả một u khu trú ở trong xương hàm. Tiếp theo có khá nhiều tác giả báo cáo về vấn đề này cả về lâm sàng và các phương pháp điều trị.
      • Tuy nhiên các tác giả vẫn lẫn lộn giữa các khối u, nang xương hàm nguyên nhân do răng và không do răng.
      • Cho đến năm 1884 – 1887: Mollazza trình bày các khối u ở xương hàm nguyên nhân do răng. Cách trình bày này được đa số các tác giả thời kỳ đó công nhận. Năm 1910: Leriche và Cotte phân loại sâu hơn. Các khối u này bắt nguồn từ mầm răng với loại biểu mô hỗn hợp vừa biểu mô vừa liên kết.
      • Hai năm sau (1912), tác giả Coryllas đề nghị phân loại và gọi tất cả các khối u do răng là u men (Adamantiome).Năm 1912 – 1925 hai tác giả Delater và Bercher gọi chung các khối u xương hàm do răng là u phôi sản biểu mô liên kết. Cách gọi này nhấn mạnh đến bệnh sinh trong đó yếu tố biểu mô, yếu tố liên kết kích thích tạo nên u giữ vai trò chủ yếu.
      • Năm 1932 Bercher và Codwella tổng hợp các công trình nghiên cứu, kế thừa kinh nghiệm của các tác giả trong thời gian dài đã đề nghị phân loại các khối u, nang xương hàm do răng phải dựa vào đặc tính bệnh lý và cơ chế bệnh sinh. Tuy vậy trên thế giới cho đến nay vẫn chưa thống nhất về danh pháp, cơ chế bệnh sinh của các khối u loại này.
    • 1.2. Phân loại các khối u, nang xương hàm do răng theo Bercher và Codwella.
    • 1.2.1. Khối u viêm nhiễm và tăng sản:
      • Loại xơ biểu mô.
        • U hạt và nang chân răng (cuống răng).
        • U hạt và nang quanh răng trên răng sống.
        • Nang thân răng.
      • Loại liên kết.
        • U lợi xơ (Épulis fibreux).
        • U lợi huỷ cốt bào.
    • 1.2.2. Loạn sản phôi:
      • Loạn phôi đơn phát triển có giới hạn.
        • U men đặc tạo răng (Adamantiome).
        • U lợi bẩm sinh.
      • Loạn phôi phát triển không giới hạn:
        • U men thể nang.
        • Loạn phôi ung thư hoá.
    • 1.2.3. U răng (Dentom).
      • U răng ngoài răng.
      • U răng trong răng.
    • 2. Chẩn đoán các khối u xương hàm do răng.
      • Nhìn chung để chẩn đoán các khối u loại này tương đối dễ, đặc biệt khi bệnh cảnh lâm sàng đã rõ ràng.
      • Diễn biến của bệnh thường thầm lặng cả quá trình phát triển của u. Không đau tại chỗ, không ảnh hưởng toàn thân, không sốt và ít ảnh hưởng chức năng ăn nhai. Chỉ khi u nang bị bội nhiễm, có đường rò, ngách tiển đình bị phồng, xương bị phá huỷ nhiều mới ảnh hưởng, và lức này có khi bệnh nhân mới tới khám. Khi khám có thể thấy thiếu một răng, có răng chết hoặc mọc sai vị trí, kết hợp với XQ khi đó có chẩn đoán khá chính xác.
      • Để chẩn đoán u, thường chụp XQ chếch hàm, panorama, Blondeau, film cắn, có khi chỉ chụp philm một hoặc một nhóm răng khi nghĩ đến u hạt, nang cuống răng.
      • Thực tế lâm sàng thường gặp dạng u nang sau: Nang thân răng, u men thể nang và u men đặc tạo răng. Còn các loại u khác hiếm gặp.
    • 3. Một số u xương hàm do răng.
      • Để trình bày cụ thể chúng ta lần lượt mô tả các khối u sau:
      • U men thể nang.
      • U men đặc tạo răng.
      • Nang thân răng.

      U MEN THỂ NANG
    • 1. Đại cương.
      • U men thể nang là một thể hay gặp nhất trong u lành tính xương hàm nguyên nhân do răng, nó chiếm quá 50% các u lành tính khu trú xương hàm.
      • Là một u có nhiều tác giả nghiên cứu, thảo luận về GPBL, phân loại và điều trị. Riêng về tên gọi có rất nhiều tên gọi khác nhau, thống kê từ trước tới nay có trên 50 tên gọi với u này, thực chất u được phát triển từ tế bào tạo men răng hình sao (Amelolastome).
      • Đặc điểm của u.
        • Thường gặp ở tuổi thanh niên hay trung niên, tuy nhiên cũng có khi gặp ở tuổi thiếu niên và người già.
        • Đa số u khu trú ở thân xương hàm dưới.
        • Khi u ở giai đoạn cuối gây biến dạng mặt, có thể làm tự gẫy xương hàm dưới.
        • Chẩn đoán dựa vào XQ và lâm sàng là chủ yếu.
    • 2. Giải phẫu bệnh lý.
      • Đại thể:
        • U men có hình dáng đại thể thay đổi, có thể là một khối gồ ghề như chùm nho, đôi khi chắc và trắng nhạt, rải rác có những hốc chứa dịch trong hơi nhày
        • Trong các trường hợp khác, có khoang trở nên rất to, dạng nang, khối u có thể chỉ là một buồng có chứa các dịch khác nhau, hoặc trong, hoặc dạng gel hoặc nâu nhạt, ít nhiều chảy máu và biến đổi bởi các hiện tượng viêm
        • Trong các dạng một nang duy nhất, việc quan sát là tìm chỗ dày của thành nang để bọc lấy nang . Nhìn chung các răng ngầm bên cạnh u thường nằm ngoài nang và không dính vào màng nang, nhưng u cũng có thể có vỏ bọc.
      • Vi thể:
        • Các hình ảnh tế bào học được coi là điển hình của u men là tổ chức liên kết nằm kề với tế bào biểu mô, trong đó tế bào men là chủ yếu
    • 3. Bệnh sinh.
      • Cho đến nay cơ chế bệnh sinh của u men thể nang vẫn chưa được thống nhất và rõ ràng. Một số tác giả cho rằng, nụ răng thoái hoá mà thành, một số tác giả khác lại cho rằng do những mảnh thừa biểu mô Malassez tạo nên.
    • 4. Tiên lượng.
      • U men thể nang phát triển chậm từ vài năm đến hàng chục năm. Ở giai đoạn đầu không ảnh hưởng đến toàn thân, do vậy rất khó phát triển để điều trị sớm.
      • Nếu không được điều trị, để đến muộn hoặc giai đoạn cuối, u có thể dẫn đến tự gẫy xương hàm, nhiễm trùng và thực tế đã gặp có trường hợp thoái hoá ác tính. U hay tái phát khi điều trị phẫu thuật bảo tồn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
    • 5. Lâm sàng.
      • Ở tuổi nào cũng gặp nhưng hay gặp ở tuổi trẻ.
      • U thường phát triển chậm, vài năm đến hàng chục năm. Giai đoạn đầu không có dấu hiệu lâm sàng, có khi tình cờ chụp XQ phát hiện được u.
      • Đa số u cư trú ở góc xương hàm dưới, lan lên cành cao đến lồi cầu và mỏm vẹt, có khi lan ra vùng cằm và sang bên đối diện.
      • Giai đoạn đầu bệnh nhân không để ý và có khi cả quá trình bệnh không hoặc ít ảnh hưởng đến sức khoẻ toàn thân. Da và niêm mạc vị trí có u bình thường.
      • Khi u phát triển to làm biến dạng khuôn mặt, phá huỷ xương và làm phồng xương hàm ở phía ngoài da và ngách tiền đình lợi (có dấu hiệu bóng bàn). Có khi thấy dấu ấn răng ở niêm mạc vị trí u bởi răng đối diện.
      • Răng ở trên khối u thường lung lay, có khi tự rụng hoặc đã được nhổ bỏ (ổ nhổ không liền). Đôi khi thấy thiếu một răng thường là răng số 8 hoặc số 7. Sờ thấy u gồ ghề, có dịch hoặc dấu hiệu bóng bàn.Khi u bị bội nhiễm, nhiễm trùng sẽ gây phản ứng sốt.
      • Tại chỗ: Loét phần niêm mạc, chảy máu làm bệnh nhân đau, rối loạn ăn uống, làm bệnh nhân gầy sút nhanh.
      • U men thể nang ở hàm trên có khi thấy triệu chứng ở xoang hàm nhiều hơn. Lúc đầu u nhỏ, khi muộn làm phồng phía môi - nền mũi hoặc vòm miệng cứng. Khi đó u có thể thông với xoang hàm.
      • XQ:
        • Chụp các tư thế chếch hàm, thẳng mặt, toàn cảnh (panorama) có hình ảnh nang một ổ hoặc nhiều ổ. Tổ chức xương bị phá huỷ rộng nhưng khu trú rõ.
        • Một 1/4 hình ảnh là nang một ổ lớn cư trú gọn với bờ xương còn rõ nét, thường có thêm một răng ngầm nằm ở phía dưới đáy u.
        • Gần 1/4 hình ảnh đặc biệt, không điển hình như hình tuyết rơi hoặc một đám lớn tiêu xương hay hiếm hơn là hình các gai xương và vỏ xương vỡ lởm chởm nham nhở.
        • Quá 1/2 hình nang nhiều ổ, tổ chức bị phá huỷ rộng hình tổ ong.
      • Chọc hút nang thường có dịch vàng, khi nang bội nhiễm, nhiễm trùng có mủ lẫn dịch màu nâu.
      • Sinh thiết để chẩn đoán không cần thiết vì dễ gây bội nhiễm, khó phẫu thuật. Mặt khác, dựa vào lâm sàng và XQ chẩn đoán đã tương đối chính xác.
    • 6. Điều trị: Duy nhất bằng phẫu thuật.
      • Các hình thức phẫu thuật phải căn cứ vào tuổi tác của bệnh nhân, tình trạng khối u ở giai đoạn nào và các yếu tố khác.
      • Có một số hình thức phẫu thuật thường áp dụng sau:
    • 6.1. Phẫu thuật bảo tồn.
      • Chỉ nạo sạch khối u, nếu có nhiều nang cần làm tỉ mỉ từ nang này qua nang khác, sau đó dùng đốt điện để cầm máu và làm triệt để u, có thể đổ đầy các hốc xương bằng bột xương đông khô tuỳ loại.
      • Hình thức phẫu thuật này áp dụng trên bệnh nhân còn nhỏ tuổi, hoặc lớn tuổi nhưng u còn nhỏ chưa gây biến dạng khuôn mặt nhiều, bờ xương còn đủ chắc, răng chưa lung lay, chưa sai khớp cắn.
    • 6.2. Cắt đoạn xương hàm.
      • Được chỉ định khi u đã quá to, làm biến dạng mặt, bờ xương hàm quá mỏng có khả năng tự gẫy xương hàm.
      • Sau cắt đoạn xương hàm có thể tạo hình phục hồi ngay bằng cấy ghép xương tự thân bằng xương sườn, mào xương chậu, hoặc có điều kiện cấy ghép xương mào chậu, xương mác có cuống mạch nuôi bằng vi phẫu thuật.
      • Nếu không tạo hình phẫu thuật ngay, sau cắt đoạn thường phải có phương tiện “giữ khoảng” phần xương còn lại để đúng khớp cắn, tổ chức phần mềm không bị co kéo, tạo điều kiện thuận lợi cho bước phẫu thuật sau.
      • Để giữ khoảng có thể bằng nẹp vít hoặc đinh Kishner ngay sau cắt đoạn xương hoặc cho bệnh nhân dùng hàm giả hướng dẫn khớp cắn (hàm Wankewitz). Máng này được làm trước khi phẫu thuật. Sau phẫu thuật ổn định cần cho bệnh nhân đeo ngay.

      NANG THÂN RĂNG
    • 1. Đại cương.
      • Nang thân răng thuộc nhóm các u nang xương hàm do răng. Tỷ lệ ít gặp hơn so với u men xương hàm và nang chân răng. Hay gặp nang bọc trên thân một chiếc răng, thường là răng vĩnh viễn mọc ngầm. Thực tế trên lâm sàng và XQ có thể gặp các dạng sau:
        • Trên mặt nhai của một răng sữa chưa mọc được.
        • Thân một răng vĩnh viễn chưa mọc được.
        • Thân một răng vĩnh viễn chưa mọc được mà trên đó không có răng sữa (răng số 6,7,8).
        • Đa số các tác giả quan sát thấy nang thân răng ở hàm trên nhiều hơn hàm dưới.
    • 2. Giải phẫu bệnh lý.
      • Thông thường màng nang mỏng, khi nhiễm trùng mạn tính mới dầy lên và dính vào cổ răng, thân răng chìm sâu trong lòng nang. Ở phần xương hàm, màng nang dễ bóc tách và thành nhẵn, nhưng khi màng nang đã vượt ra tổ chức phần mềm thì lại dính, khó bóc tách nên phải cắt.
      • Dịch trong nang tuỳ theo có bị nhiễm trùng hay không mà thấy dịch trong, quánh đặc sệt, đỏ, nâu, có khi như mủ.
      • Về vi thể: Màng nang có 3 lớp.
        • Lớp ngoài là tổ chức xơ.
        • Lớp giữa là mô lỏng lẻo phôi thai.
        • Lớp trong là tổ chức biểu mô gồm một hoặc nhiều tế bào lát hoặc trụ, có khi có cả tế bào hình sao loại men.
    • 3. Cơ chế bệnh sinh.
      • Chưa thật rõ ràng nhưng người ta đề cập 3 vấn đề.
    • 3.1. Nhiễm trùng.
      • Về lâm sàng và về tổ chức học nang thân răng dễ nhiễm trùng. Do vậy người ta cho rằng nhiễm trùng là một nguyên nhân của nang thân răng.
    • 3.2. Nang.
      • Broca gọi nang thân răng là nang mầm răng và cho rằng sự hình thành là do các tế bào bị nhuyễn đi để chuyển hoá thành nang.
      • Malassez thì cho rằng từ một điểm nào đó của dây chằng quanh răng đã kinh qua một loạt thay đổi dẫn đến tình trạng nang ở một chỗ trước răng, chỗ này là quá trình thoái hoá hốc của lá răng. Khi thân răng bắt đầu mọc thì gặp nang đang hình thành ở phía trước, răng chui vào trong nang và sau đó sau khi chân răng thành hình, những thớ của túi răng làm cho màng nang dính vào cổ răng.
    • 3.3. Răng ngầm.
      • Hoặc sự phát triển của nang đã làm ngừng trệ sự phát triển của răng, hoặc nang phát triển quanh một răng ngầm.
    • 4. Lâm sàng.
      • Hình ảnh lâm sàng của một răng vĩnh viễn mọc ngầm gây nang thân răng. Điển hình là nang thân răng mọc ngầm quanh răng nanh hàm trên.
      • Thường biểu hiện qua hai giai đoạn:
        • Giai đoạn thầm lặng: Kéo dài hàng năm, lâm sàng không có biểu hiện gì đặc biệt, khám thấy thiếu một răng nanh hoặc răng nanh sữa vẫn còn tồn tại lung lay ít hoặc nhiều. XQ thấy có bóng răng tròn, rõ quanh một thân răng ngầm ở phía trên. Đôi khi rất khó phân biệt hình ảnh nang hay chỉ là một bọc quanh thân răng hay giãn ra.
        • Giai đoạn sau: Khi nang đã to biểu hiện bằng một khối u cứng làm phồng ngách lợi hoặc cả rãnh mũi – má nhưng vẫn không đau. Da niêm mạc bình thường, nếu vị trí nang phía hàm ếch cũng bị phồng. U dính chắc vào xương kích thước không lớn lắm, có thể bằng ngón tay hoặc bằng quả quýt.
      • Khi nang tiếp tục to làm cho xương hàm bị đẩy và mỏng đi, khi đó sờ ở ngách lợi có dấu hiệu bóng bàn hoặc như sờ vào dịch nước (khi đã phá huỷ toàn bộ xương). XQ có hình nang và răng ngầm thân quay vào trong lòng nang.
      • Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, nang dễ gây biến chứng bội nhiễm và nhiễm trùng sau đó gây rò. Tuỳ vị trí nang mà có biểu hiện lâm sàng ở vị trí đó, đường rò có thể vào nghách lợi, hàm ếch hoặc ra ngoài da.
      • Ngoài thể lâm sàng điển hình như trên ta còn có thể gặp các thể khác:
        • Nang trên thân răng sữa làm răng mọc chậm đi. Thường là trên một răng sữa bất kỳ và chỉ có một nang. Tuy nhiên cũng có thể nhiều nang ở một bệnh nhân. Nang chùm lên thân răng sữa, răng sữa này nhỏ như hạt đậu, màu xanh tím.
        • Nang trên thân răng vĩnh viễn mà trên không có răng sữa. Hay gặp ở trẻ em trên các răng số 6,7.
        • Nang quanh răng vĩnh viễn sau khi răng sữa ở trên bị nhiễm trùng. Hay gặp ở răng hàm nhỏ.
      • Ngoài ra có thể gặp ở các răng khác nhưng ít hơn như:
        • Nang răng nanh hàm dưới.
        • Nang răng khôn hàm dưới: Trong đó răng khôn ở khá cao gần mỏm vẹt hay lồi cầu. Có khi có nhiều ổ nang làm XQ có thể nhầm với u men.
        • Nang răng khôn hàm trên.
        • Nang các răng thường.
    • 5. Điều trị: Duy nhất bằng phẫu thuật.
      • Dù ở giai đoạn thầm lặng hay đã rõ, khi lâm sàng và XQ đã cho chẩn đoán xác định thì phương pháp phẫu thuật nên được thực hiện ngay.
      • Trong kỹ thuật phẫu thuật phải lấy bỏ toàn bộ màng nang và răng trong nang. Sau đó hoặc khâu kín hoặc dẫn lưu, hoặc lấp đầy bằng nhựa tự cứng hay xương đông khô đồng lợi tuỳ cơ sở điều trị.

      U MEN ĐẶC TẠO RĂNG
    • 1. Đại cương.
      • U men đặc tạo răng hiếm gặp so với u men thể nang, có khuynh hướng liên kết phát triển có giới hạn, sau phẫu thuật ít hoặc không tái phát.
      • U men đặc tạo răng có các tên khác nhau: Ombredan (u răng), Malassez (u có nhiều răng) và một số tác giả khác gọi là u hỗn hợp nguyên nhân do răng.
    • 2. Giải phẫu bệnh lý.
      • Khối u thường có hình ảnh của các răng có một hay nhiều chân, hay thành từng đám tụ vôi có hình thù và kích thước khác nhau. Tổ chức màng gắn các yếu tố này với nhau, ngoài là vỏ liên kết dính với vỏ xương, vỏ là tổ chức liên kết có khi không rõ rệt, có khi có cả những hình răng nhỏ nằm ở trong lòng ổ xương. Ngoài khối u, đôi khi còn có một hoặc nhiều răng thường, răng ngầm không tham gia vào khối u.
      • Các hạt vôi và các răng hoặc tổ chức răng trong khối u thường rất nhiều răng, số răng này có tác giả mô tả hàng chục đến vài trăm cái.
      • Về vi thể, tổ chức màng nối liền các tổ chức vôi và răng trong khối u, những yếu tố nụ răng ở thời kỳ phôi thai. Men và ngà ở các răng trong khối u thường có một hình thù không điển hình.
    • 3. Lâm sàng.
      • Thường gặp ở tuổi thiếu niên lúc mọc răng vĩnh viễn. Rất ít hoặc không gặp ở tuổi lúc mọc răng sữa hay người quá 20 tuổi.
      • Nam và nữ gặp tương đương nhau. Vị trí u gặp cả hai hàm trên và dưới.
      • U tiến triển thầm lặng, ít có triệu chứng và không ảnh hưởng toàn thân giai đoạn đầu. Xương hàm phồng ít, hơi gồ ghề ở ngách tiền đình - lợi, nhẵn, niêm mạc phủ bình thường.
      • Trên cung răng thường thầy tồn tại răng sữa, hoặc nhiều răng hoặc các răng mọc sai vị trí, cũng có khi răng vĩnh viễn biến dạng. U men đặc tạo răng thường khác với u men thể nang là u thường tiến ra cả hai lớp trong và ngoài của xương hàm. Thường bệnh nhân đến khám bệnh chỉ thấy người hơi khó chịu, ngách lợi vị trí u hơi gồ, đau ít. Đôi khi tình cờ khám trong khoang miệng và XQ mà phát hiện ra.
      • XQ xác định có khối u men đặc tạo có giới hạn rõ, trong đó có những hình tròn hoặc nhiều cạnh mà mật độ giống răng. Có khi ở xung quanh khối u thấy hình một hay nhiều răng sai chỗ.
      • Không được điều trị, u lớn hoặc gây bội nhiễm có mủ gây rò.
    • 4. Điều trị: Duy nhất bằng phẫu thuật.
      • Lấy bỏ toàn bộ u trong đó có răng.
    • Theo Kiến thức Y khoa

2 nhận xét:

  1. Nặc danh says

    đk đấy, mình ko có chuyên môn về răng hàm mặt nhưng đọk bài viết này mình kũg hjểu đk sơ qua về răng hàm mặt, thank.......


    Unknown says

    Hay


Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases