Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

CT scan

Máy CT Scanner

CT được phát hiện một cách độc lập bởi Sir Godfrey Hounsfield, một kỹ sư người Anh và bác sĩ Alan Cormack và nó trở thành cơ sở chính để chẩn đoán các bệnh trong y học. Hounsfield và Cormack đã nhận được giải Nobel vào năm 1979 cho phát minh của mình.

Máy CT scan lần đầu tiên được lắp đặt vào năm 1974. Ngày nay có khoảng 6.000 máy CT đang được sử dụng tại Hoa Kỳ. Do những tiến bộ của nó, CT scan đã giúp giảm đáng kể những khó chịu của bệnh nhân vì hiện nay chúng đã hoạt động nhanh hơn rất nhiều. Ngoài ra, chất lượng hình ảnh của CT cũng ngày càng tiến bộ với độ phân giải cao hơn giúp nâng cao khả năng chẩn đoán của phương tiện chẩn đoán hình ảnh này. Chẳng hạn như hiện nay CT có thể cho các bác sĩ thấy những nốt hoặc khối u nhỏ mà trên phim X quang không thể nhìn thấy được.

Giới thiệu

  • CT scan là cách chụp X quang đặc biệt cho ra những hình ảnh cắt lớp theo chiều ngang của cơ thể bằng cách sử dung tia X và máy vi tính. Những hình ảnh này giúp các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể nhìn vào bên trong cơ thể bệnh nhân theo cách tương tự như khi bạn nhìn vào bên trong ruột của ổ bánh mì sau khi cắt lát chúng. CT có thể chụp từng lát cắt của cơ thể giúp cho bác sĩ có thể nhìn trực tiếp vào khu vực cần thiết. CT thường được dùng để đánh giá não, cổ, cột sống, lồng ngực, bụng, khung chậu và xoang.
  • CT bắt đầu trở thành một phương pháp cận lâm sàng thông dụng và có thể được thực hiện không chỉ ở các bệnh viện lớn mà còn ở các cơ sở khám bệnh tư nhân.
  • CT đã làm một cuộc cách mạng hóa nền y học hiện đại vì nó cho phép các bác sĩ có thể quan sát những loại bệnh mà trước đây chỉ có thể được phát hiện qua phẫu thuật hoặc tử thiết. CT là một phương tiện chẩn đoán không xâm lấn, an toàn và dễ chịu. Nó cung cấp một hình ảnh có độ chi tiết cao ở nhiều phần khác nhau của cơ thể.
  • Khi bạn nhìn vào phim X quang (chẳng hạn như X quang ngực) cũng giống như bạn đang nhìn xuyên qua cơ thể của người được chụp vậy. Nhưng CT và MRI (có hình ảnh tương tự như CT) cho ta những góc nhìn khác của cơ thể so với X quang. CT và MRI cho những hình ảnh cắt lớp theo chiều ngang tương tự như đang "mở" cơ thể của bệnh nhân ra, giúp cho bác sĩ có thể nhìn nó từ bên trong. MRI dùng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh còn CT dùng tia X để tạo ra hình ảnh. X quang là một thủ thuật cận lâm sàng không đắt tiền và được thực hiện một cách nhanh chóng, thích hợp dùng để chẩn đoán viêm phổi, viêm khớp và gãy xương. CT và MRI đánh giá các mô mềm tốt hơn, chẳng hạn như não, gan, các cơ quan trong ổ bụng cũng như phát hiện ra những bất thường không rõ ràng và có thể không phát hiện được trên phim X quang thông thường.
  • Người ta cũng hay dùng CT để quan sát kỹ hơn những bất thường được phát hiện thấy ở X quang hay siêu âm. CT cũng có thể được dùng để kiểm tra những triệu chứng đặc hiệu như đau hoặc chóng mặt. Các bệnh nhân ung thư cũng có thể dùng CT để kiểm tra mức độ lan rộng của bệnh.
  • CT đầu hoặc não để kiểm tra những cấu trúc khác nhau bên trong nhằm tìm các khối, khu vực bị chảy máu, những mạch máu bất thường. Đôi khi nó cũng được dùng để quan sát xương sọ.
  • CT cổ dùng để kiểm tra những mô mềm bên trong cổ và thường được dùng để xác định các khối hoặc bướu ở cổ, hoặc tìm cách hạch hay tuyến bị phì đại.
  • CT ngực thường được dùng để kiểm tra kỹ hơn những bất thường phát hiện trên phim X quang. Nó cũng được dùng để tìm những hạch bị phì đại.
  • CT bụng và khung chậu dùng để quan sát các cấu trúc bên trong ổ bụng và khung chậu (gan, lách, thận, tụy, tuyến thượng thận) và ống tiêu hóa. Chúng được thực hiện để kiểm tra những nguyên nhân gây đau hoặc đôi khi dùng để theo dõi những bất thường phát hiện được trên các phương tiện khác như siêu âm.
  • CT xoang dùng để chẩn đoán bệnh của xoang và tìm những chỗ bị hẹp hoặc tắc ở đường ra của xoang.
  • CT cột sống thường được dùng để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống tủy sống ở những người bị đau cổ, cánh tay, lưng và/hoặc chân. Nó cũng được dùng để tìm những chỗ gãy hoặc vỡ của cột sống.
CT scan cổ
Hình ảnh CT scan vùng cổ

Nguy cơ

CT có nguy cơ rất thấp.

  • Bạn phải tiếp xúc với phóng xạ khi chụp CT. Tuy nhiên, chúng ở mức giới hạn an toàn.
  • Khả năng nguy cơ lớn nhất là khi bạn cần phải tiêm thuốc cản quang (thuốc nhuộm) để giúp phân biệt những mô bình thường với các mô bất thường. Chúng cũng giúp phân biệt các mạch máu với những cấu trúc khác chẳng hạn như hạch lympho.
  • Cũng giống như đối với các loại thuốc khác, một số người có thể phản ứng với thuốc cản quang. Khả năng gây ra những phản ứng nặng nề đối với thuốc cản quang là 1/100.000. Những người có nguy cơ cao hơn bình thường có thể cần phải điều trị trước đó và nên kiểm tra lại ở bệnh viện. Những người có nguy cơ cao hơn bình thường bao gồm những người đã từng bị phản ứng với thuốc cản quang trước đó, hoặc bị phản ứng dị ứng nặng đối với những loại thuốc khác, bị hen hoặc khí phế thũng, hoặc bị bệnh tim nặng, những người này nếu cần thiết phải chụp CT thì nên đến bệnh viện để chụp.
  • Bất kỳ lúc nào kim tiêm đưa vào bên trong tĩnh mạch, luôn có nguy cơ thuốc cản quang bị bơm ra ngoài tĩnh mạch và đi vào dưới da. Nếu một lượng lớn thuốc cản quan bị bơm ra ngoài, len vào vùng dưới da, trong một số hiếm trường hợp, có thể làm cho da bị hư hại.

Chuẩn bị

Nếu cần phải tiêm thuốc cản quang, bạn không nên ăn hay uống trước khi chụp vài giờ do thuốc có thể làm cho dạ dày bị khó chịu. Để được tiêm thuốc cản quang, bạn sẽ được đưa một kim luồn vào tĩnh mạch ở tay ngay trước thời điểm chụp và thuốc cản quang sẽ đi vào cơ thể của bạn qua đường này.

Trước khi chụp CT vùng bụng và khung chậu trong hầu hết các trường hợp cần phải uống dung dịch cản quang có chứa barium loãng. Dung dịch này giúp bác sĩ có thể xác định được ống tiêu hóa (dạ dày, ruột non, ruột già) để kiểm tra những bất thường của các cơ quan đó và phân biệt chúng với những cấu trúc khác bên trong ổ bụng. Bạn cũng được yêu cầu uống khoảng 1 lít trong vòng 1.5 đến 2 giờ.

Quá trình chụp

Hầu hết các trường hợp thì CT là một thủ thuật chẩn đoán ngoại viện, có nghĩa là sau khi chụp xong, bạn có thể về nhà mà không cần phải nằm lại bệnh viện.

  • Máy CT giống như một cái bánh vòng khổng lồ mà ở trung tâm của nó là 1 cái bàn hẹp. Không giống như MRI, bạn phải nằm bên trong một cái ống của máy quét, khi chụp CT, ít khi bạn có cảm giác bị giảm giữ do cấu trúc mở của máy. Thường thì bạn nằm đặt lưng lên bàn và được đưa xuyên qua máy. Bạn được đẩy xuyên qua máy scan bắt đầu từ phía đầu hay từ phía chân trước tùy thuộc vào bộ phận nào của cơ thể cần chụp. Đối với một số trường hợp chụp chẳng hạn như chụp xoang và tai giữa, bạn sẽ cần phải nằm bằng bụng và đưa đầu vào trước.
  • Bạn cần phải nằm bất động trong khi chụp, thường kéo dài khoảng vài phút. Quá trình chụp bao gồm chỉnh thông số, quét, kiểm tra hình ảnh, và rút kim tiêm ra nếu cần mất khoảng 15-45 phút tùy thuộc vào phần cơ thể nào được chụp.
    • Trong một số trường hợp, bạn cần phải nín thở trong khoảng 20 giây.
    • Việc quyết định bạn nên mặc đồ gì khi chụp là còn tùy thuộc vào tính chất của lần chụp. Nếu chụp CT ngực, bụng hoặc khung chậu, thường bạn cần phải mặc áo choàng của bệnh viện. Nếu chụp CT đầu, bạn có thể mặc đồ bình thường.
    • Rất ít khi cần phải dùng đến thuốc giảm đau. Vì máy hoạt động rất yên tĩnh nên tất cả những gì bạn nghe thấy trong quá trình chụp là tiếng kêu vo vo nhẹ của máy.
    • Kỹ thuật viên ngồi ở phòng bên cạnh và có thể quan sát bạn qua một cửa sổ lớn.

Sau khi chụp

Nếu bạn phải tiêm thuốc cản quan thì trước khi ra khỏi bệnh viện, kim tiêm sẽ được lấy ra. Không có tác dụng phụ nào từ quá trình chụp và từ thuốc cản quản. Trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể bạn cần phải sử dụng thuốc an thần, bạn sẽ được đưa về nhà khi tỉnh dậy và cần phải được người khác chở.

Hình ảnh CT sẽ được phân tích bởi bác sĩ chẩn đoán hình ảnh được đào tạo qua nhiều khóa học về x-quang. Kết quả sẽ được gửi về cho bác sĩ điều trị của bạn. Thời gian nhận được kết quả trả về tùy thuộc vào nơi chụp.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Phản ứng phụ với thuốc cản quang luôn diễn ra gần như tức thời, do đó rất hiếm có trường hợp bạn bị phản ứng phụ sau khi rời khỏi phòng chụp. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ mình bị phản ứng phụ ở giai đoạn muộn, hãy gọi điện đến nơi bạn đã chụp để được tư vấn.

Những triệu chứng bao gồm ngứa, khó thở hoặc khó nuốt. Nếu thuốc cản quan đi vào dưới da, bạn có thể sẽ bị đỏ, sưng và đau. Thường thì bạn sẽ được yêu cầu quay trở lại vào ngày hôm sau để kiểm tra lại da.

Theo emedicinehealth - Y học NET dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases