Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Viêm, rách chóp xoay

Viêm, rách chóp xoay
Nguyên nhân hàng đầu gây đau vai ở người lớn tuổi



Chóp xoay gồm 4 cơ của khớp vai, theo thứ tự từ trước ra sau là cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai và cơ tròn bé. Nhóm các cơ này có tác dụng giữ vững khớp vai một phần và có nhiệm vụ cử động vai giúp cho khớp vai là khớp trong cơ thể có tầm vận động lớn nhất.

Khớp vai cũng là khớp được sử dụng nhiều trong suốt đời người và đây cũng chính là điểm làm cho chóp xoay dễ bị viêm hay đứt. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm hay đứt chóp xoay bao gồm lớn tuổi gây thoái hóa gân, tình trạng thiếu máu nuôi gân và do sử dụng quá mức khớp vai.


Bệnh biểu hiện như thế nào?

Bệnh hay xảy ra trên những người tuổi trên 40 (ước tính có khoảng từ 15-40% những người trên 40 bị bệnh này). Triệu chứng đầu tiên là đau ở vùng vai. Cơn đau có đặc điểm đau vùng vai lan lên tới cổ (làm dễ chẩn đoán lầm với thoái hóa cột sống cổ), lan xuống cánh tay nhưng dừng lại ở vùng khuỷu tay.

Đau vào đêm khuya đôi khi làm bệnh nhân mất ngủ, đau khi nằm nghiêng bên vai bị đau. Cảm giác yếu, mỏi cánh tay khi nhấc tay và khi làm việc với cánh tay tư thế dạng.

Bệnh lâu ngày dẫn tới rách lớn chóp xoay làm bệnh nhân cử động vai khó khăn, đặc biệt khi dang tay lên tới đầu sẽ có một cung đau tức là ở một đoạn nào đấy gây đau, các đoạn còn lại không bị đau, rách nặng hơn làm bệnh nhân không giơ tay lên được hay khi giơ lên được thì khi hạ xuống tay sẽ bị rớt đột ngột mà không thể giữ lại được.


Làm sao để chẩn đoán?

Khi bạn đi khám bệnh các bác sĩ sẽ làm một số nghiệm pháp khám đặc biệt để phát hiện gân bị viêm hay rách. Chụp khớp vai 3 tư thế thẳng, nghiêng và Lamy và chính xác nhất là chụp MRI có bơm thuốc tương phản từ vào trong khớp.


Làm gì khi bị viêm hay rách chóp xoay?

Tùy thuộc tình trạng viêm hay rách chóp xoay, rách lớn hay nhỏ, tuổi bệnh nhân mà sẽ có những chiến lược điều trị khác nhau. Thông thường bắt đầu bằng sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau và thuốc giãn cơ, kèm thêm việc tập vật lý trị liệu làm hạ vai xuống.

Tiêm corticoid vào khớp vai cũng là một phương pháp điều trị nhưng phải rất cẩn thận vì nếu bị nhiễm trùng sẽ rất tai hại. Trong trường hợp uống thuốc không bớt hoặc chóp xoay bị rách thì phương án tiếp theo sẽ là mổ khâu lại gân.

Có nhiều phương pháp mổ nhưng hiện tại đa số áp dụng phương pháp mổ nội soi. Phương pháp nội soi cho kết quả tương đương mổ mở nhưng làm giảm thiểu tình trạng tổn thương cơ xung quanh, thời gian hồi phục nhanh hơn. Vết mổ nhỏ hơn, ít đau sau mổ.

Sau khi mổ xong bệnh nhân cần được hạn chế cử động tay trong khoảng thời gian ít nhất là 3-6 tuần để gân lành và sau đó là chương trình tập vật lý trị liệu để phục hồi tầm hoạt động cho khớp vai. Tỉ lệ gân lành nói chung là khoảng 75%, tuy nhiên tỉ lệ bệnh nhân hài lòng, bớt đau sau mổ lên đến 90% hoặc hơn tùy theo tác giả.


Làm gì để hạn chế chóp xoay rách?

Bạn đừng nên coi thường những cơn đau ở vai, dấu hiệu đau đầu tiên có thể là tình trạng viêm, nếu cố gắng hoạt động để hy vọng vượt qua cơn đau mà không được điều trị sẽ làm bệnh diễn tiến nặng hơn dẫn đến rách gân.

Điều trị thuốc sớm và nghỉ ngơi ở giai đoạn viêm có thể hạn chế tình trạng rách gân. Một khi gân đã bị rách thì việc mổ khâu lại sớm sẽ có kết quả tốt hơn, giá thành thấp hơn do dùng ít chỉ khâu hơn. Thời gian hồi phục nhanh hơn.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases