Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Tiếng tim bình thường và bất thường
TIẾNG TIM BÌNH THƯỜNG
Bình thường trong 1 chu chuyển tim chúng ta nghe rõ 2 tiếng: tiếng thứ nhất trầm, dài; tiếng thứ hai thanh, gọn. Giữa tiếng thứ nhất đến tiếng thứ hai có một khoảng nghỉ ngắn và từ tiếng thứ hai đến tiếng thứ nhất của chu chuyển tiếp theo có một khoảng nghỉ dài.
Ở trẻ em và thanh niên đôi khi chúng ta có thể nghe thấy tiếng thứ ba sinh lý.
TIẾNG TIM BẤT THƯỜNG
Tiếng thứ nhất bất thường
Tiếng thứ nhất chúng ta nghe thấy là do đóng các van nhĩ thất: 2 lá và 3 lá, đồng thời mở van tổ chim; nghe rõ ở mỏm tim, âm sắc trầm, dài. Tiếng thứ nhất có thể thay đổi về âm sắc và cường độ như: đanh, mạnh, mờ và tách đôi.
Tiếng thứ nhất đanh là dấu hiệu thường gặp nhất trong hẹp van 2 lá, nghe rõ ở mỏm tim
Trong các trường hợp làm thất trái co nhanh, van nhĩ thất đóng lại mạnh như gắng sức, cường giáp sốt hoặc tăng lưu lượng tuần hoàn, thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, tiếng thứ nhất có thể mạnh lên.
Ngược lại, tiếng thứ nhất có thể nghe mờ đi hoặc mất trong các trường hợp: tràn dịch màng ngoài tim, thấp tim gây phù nề các lá van nhĩ thất, hở van nhĩ thất.
Trong trường hợp phân ly nhĩ thất làm cho nhĩ và thất co không đồng bộ nên cường độ tiếng thứ nhất rất khác nhau.
Thời gian dẫn truyền nhĩ-thất cũng ảnh hưởng đến cường độ tiếng thứ nhất và tiếng thứ hai. Khi khoảng P-R từ 0,12 - 0,16 giây thì tiếng thứ nhất nghe mạnh, rõ hơn tiếng thứ hai.
Khi P-R từ 0,18-0,20 giây, cường độ tiếng thứ nhất yếu đi và tiếng thứ hai nghe mạnh hơn.
Tiếng thứ hai bất thường
Tiếng thứ hai chúng ta nghe thấy là đóng các van tổ chim, thành phần phổi nghe rõ ở một vùng khu trú: liên sườn 2-3 trái; thành phần chủ nghe rõ ở vùng trước tim và liên sườn 2 phải. Điều quan trọng khi nghe tiếng thứ hai là chúng ta phải phát hiện được: T2 mạnh, tách đôi, mờ. Tiếng thứ hai mạnh lên chủ yếu do tăng áp đại tuần hoàn.
Trong tăng huyết áp, T2 mạnh nghe rõ ở liên sườn 2 phải và thường ở liên sườn 3 trái.
Trong tăng áp tiểu tuần hoàn do hẹp hai lá, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, tâm phế mạn, T2 mạnh nghe rõ ổ van động mạch phổi.
Trong một số bệnh lý làm thất phải và thất trái co không đồng bộ, các van tổ chim đóng không cùng một lúc tạo nên tiếng T2 tách đôi.
Bình thường chúng ta nghe 2 thành phần này chỉ thấy 1 tiếng duy nhất, nhưng chúng ta bắt đầu nghe thấy tách đôi khi chúng cách nhau 0,02 giây và nghe rõ khi 0,08 giây.
Ở người bình thường, khi hít sâu ta có thể nghe T2 tách đôi sinh lý ở ổ nghe van động mạch phổi.
Tiếng thứ hai tách đôi cố định, không thay đổi theo hô hấp nghe rõ ở ổ van động mạch phổi là dấu hiệu nghe quan trọng trong chẩn đoán thông liên nhĩ.
Trong blốc nhánh phải, do thất phải khử cực chậm hơn thất trái, làm van động mạch phổi đóng muộn, 2 thành phần của tiếng thứ hai tách đôi càng xa nhau khi bệnh nhân hít sâu vào. Đây là đặc điểm quan trọng để chẩn đoán
Trong blốc nhánh trái, thất trái khử cực chậm nên van động mạch chủ đóng muộn; khác với trong blốc nhánh phải tiếng thứ hai tách đôi ở đây nghe rõ khi bệnh nhân thở ra. Ở thì thở vào nghe tiếng tách đôi sít lại và đôi khi thành 1 tiếng duy nhất
Tiếng thứ hai có thể mờ đơn độc, hoặc cùng tiếng thứ nhất, gặp trong tràn dịch màng ngoài tim, hẹp các van tổ chim, thấp tim gây phù nề van tim.
Các tiếng tim bất thường khác
Tiếng thứ ba
Tiếng thứ ba sinh lý có thể gặp ở trẻ em và người trẻ dưới 30 tuổi, cách tiếng thứ hai chừng 0,12-0,18 giây; nghe trầm ngắn.
Trong suy tâm thất cấp, hoặc lưu lượng máu qua van nhĩ-thất nhiều tạo nên tiếng thứ ba bệnh lý, và được gọi là tiếng ngựa phi. Tiếng ngựa phi nghe rõ ở mỏm hoặc trong mỏm, dọc xương ức trái, âm sắc trầm, ngăn cách tiếng thứ hai từ 0,12-0,18 giây.
Trong trường hợp ngựa phi kèm tiếng nhĩ thu, ta nghe được một nhịp bốn, bao gồm : T1, T2, T3 và tiếng nhĩ thu.
Tiếng tống máu hay còn gọi là clíc tống máu.
Xuất hiện ngay đầu thì tâm thu; có thể do mở các van tổ chim và sự căng giãn nhanh của các gốc động mạch tạo ra.
Trong các trường hợp hẹp van động mạch phổi, tăng áp động mạch phổi tiên phát hay thứ phát, giãn động mạch phổi, chúng ta nghe thấy tiếng clíc tống máu động mạch phổi rõ ở liên sườn 2-3 trái, thay đổi theo hô hấp: mạnh lên ở thì thở ra, yếu hoặc mất đi khi hít vào. Trong clíc tống máu động mạch chủ do hẹp van động mạch chủ bẩm sinh: nghe rõ ở mỏm và liên sườn 2 phải, không thay đổi theo hô hấp.
Tiếng clíc tâm thu
Là tiếng nghe âm sắc đanh, xuất hiện ở thì tâm thu, song muộn hơn tiếng clíc tống máu, thường ở giữa thì tâm thu. Chúng ta có thể nghe chỉ có 1 tiếng duy nhất hoặc 2-3 tiếng đứng sát nhau, nghe rõ ở khoảng giữa mỏm tim và phần dưới xương ức. Nguyên nhân tiếng này đến nay chưa rõ.
Tiếng clíc mở van 2 lá:
Là tiếng đến sau tiếng thứ hai từ 0,06 - 0,10 giây, âm sắc đanh, gọn, nghe rõ ở liên 4 trái sát bờ ức, gặp trong hẹp van 2 lá.
Tiếng cọ màng ngoài tim:
Khi màng ngoài tim bị viêm, lá thành và lá tạng cọ sát vào nhau tạo nên 1 tiếng thô, ráp, ngắn ở giữa 2 tiếng tim, thường nghe thấy ở vùng trước tim và không thay đổi theo hô hấp.
Trich từ http://bacsihoasung.wordpress.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net