Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa
Chứng "khó ở" trước kinh kỳ
Gần phân nửa phụ nữ tuổi từ 18 đến 50 mắc phải chứng khó ở tiền kinh kỳ. Mỗi tháng, vào khoảng 1-2 tuần trước kinh kỳ, bạn có những triệu chứng như nhức đầu, mỏi lưng, nổi mụn, dị ứng, vú trở nên mềm nhũn; tính tình bạn có thể trở nên cau có, gắt gỏng, hồi hộp. Chứng này do đâu mà có? Làm thế nào để ngăn ngừa hay chữa trị nó?
Cơ thể người đàn bà có hai kích thích tố chính là oestrogen và progesterone. Bình thường, chúng ở mức điều hòa và cùng đảm nhận nhiệm vụ điều tiết kinh nguyệt trong cơ thể. Mỗi tháng, thường trước kinh kỳ khoảng hai tuần, hai chất này bắt đầu tích tụ lại... và vấn đề bắt đầu ở đây.
Khi chất oestrogen tích lại quá nhiều, bạn có cảm giác hồi hộp, dễ nổi nóng. Ngược lại, khi chất progesterone lên cao, bạn lại hay mệt mỏi, buồn chán.
Bạn có thể bị tất cả triệu chứng kể trên, hoặc chỉ một trong hai. Những triệu chứng này có thể kéo dài nhiều ngày. Trong những ngày này, tâm tư bạn hoàn toàn không ổn định. Có thể bạn rất vui vẻ, yêu đời một lúc, rồi năm mười phút sau lại trở thành buồn bã, ủy mị. Thái độ bất thường này nếu không được người chồng thông cảm và chịu đựng, tan vỡ gia đình rất dễ xảy ra. Bệnh này là một trong những nguyên nhân đưa đến việc vợ chồng ly dị; đồng thời, nó cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo nên những phiền phức trong quan hệ xã hội của người phụ nữ.
Những phụ nữ không vui vẻ với đời sống của mình cũng có khuynh hướng mắc chứng khó ở tiền kinh kỳ nhiều hơn. Thống kê cho thấy các phụ nữ có một gia đình kém hạnh phúc, hoặc phải sinh đẻ nhiều lần và cưu mang nhiều con... thường dễ mắc bệnh hơn những phụ nữ thông thường. Nói chung, đây là một triệu chứng có ảnh hưởng lớn trên thể xác lẫn tinh thần. Nếu bệnh này xảy đến với bạn, hãy dùng những biện pháp dưới đây để kiềm chế nó.
Lạc quan và vui sống
Như đã nói ở trên, đây là một chứng bệnh có ảnh hưởng liên đới giữa tinh thần và thể xác. Vì thế, một tinh thần cứng cỏi sẽ có khả năng giúp bạn ra khỏi chứng này không mấy khó khăn. Bác sĩ Susan Lark nói rằng bạn lúc nào cũng nên tự nhủ rằng "tôi có một cơ thể khỏe mạnh, cơ thể tôi sẽ vượt qua dễ dàng mọi khó khăn gây nên do sự bất thường của kích thích tố", và bạn sẽ vượt qua.
Để ý về thực phẩm
Thực phẩm và lối ăn uống của bạn đóng một vai trò không kém quan trọng đối với chứng khó ở này. Các bác sĩ nhận thấy rằng, các chất như muối, đường, đường hóa học, sữa và mỡ không tốt cho người bị chứng khó ở. Các thói quen sau có thể mang lại kết quả tốt cho triệu chứng của bạn.
- Hãy ăn nhạt và giảm việc tiêu thụ muối từ các thực phẩm. Muốn biết một thực phẩm có nhiều muối hay không, bạn cần đọc kỹ nhãn hiệu trên thực phẩm đó. Bạn hay đi ăn tiệm nhiều?... Nên cẩn thận vì thường các tiệm ăn chỉ chú ý đến khẩu vị khách hàng mà bỏ quên vấn đề sức khỏe.
- Trong thời gian tiền kinh kỳ, bạn có thể cảm thấy rất thèm ăn đường. Khi đó, hãy ăn nhiều trái cây. Đường trong trái cây sẽ cung cấp nhiệt lượng cần thiết cho cơ thể bạn mà không gây nên những triệu chứng khó ở như đường cát, mật, hay đường hóa học.
- Tránh ăn mỡ. Chất béo động vật và thực vật có chứa chất saturated fat. Hãy thay thế saturated fat bằng pholyunsaturated fat (xem trên nhãn hiệu các thực phẩm, bạn sẽ thấy bảng kê các chất này).
- Cố tránh sữa và những thực phẩm chế biến từ sữa như phó mát, bơ, yaourt... Chất lactose trong sữa làm cho cơ thể không thể hấp thụ được khoáng chất magnesium, một chất rất cần thiết cho sự điều tiết oestrogen trong cơ thể.
- Ăn nhiều thực phẩm có chất xơ như lúa mạch, rau cải, các loại đậu... Chất xơ có công dụng điều hòa mức kích thích tố oestrogen trong cơ thể.
- Tránh các thực phẩm kích thích như trà, cà phê, chocolate... Những chất này có thể đưa đến triệu chứng hồi hộp, nóng nảy, đau vú hoặc vú trở nên mềm nhũn.
- Rượu cũng có hại. Khi bạn bị các chứng như mệt mỏi hay nhức đầu, rượu có thể làm những chứng này tệ hơn.
Tập thể dục và Yoga
Những loại thể dục nhẹ như chạy bộ hay bơi lội nước bền thường có công dụng làm máu luân lưu điều hòa và khuyến khích não bộ tiết ra những kích thích tố, giúp cho bạn cảm thấy phấn chấn, lạc quan hơn.
Những người tập môn Yoga cũng có kết quả tốt nhờ biết điều hòa hơi thở của mình. Nên thở chậm và sâu. Bạn sẽ tránh được những lúc hồi hộp, cáu kỉnh, quá vui hay quá buồn. Hãy thử hít một hơi đầy buồng phổi rồi thở ra nhẹ nhàng; có phải bạn bớt hồi hộp hay giận dữ hơn không? Theo lý thuyết Yoga, việc hít thở đúng cách hầu như có khả năng làm được mọi việc trên đời, và khoa học đã chứng minh được rất nhiều công dụng của nó.
Quan hệ tình dục
Bạn thường bị chứng khó ở vào khoảng những ngày trứng rụng. Cũng trong những ngày này, đa số phụ nữ thích việc làm tình hơn những ngày khác trong tháng. Có lẽ đó là chuyện tự nhiên để duy trì nòi giống, bạn nên chiều theo luật tự nhiên này. Có phải những phụ nữ ít làm tình thường có cá tính hay gắt gỏng hơn không? Hãy trả lời câu hỏi này bằng kinh nghiệm cá nhân của chính bạn. Bác sĩ Susan cho biết, việc làm tình (và phải đạt đến cực điểm hứng khởi) có thể xoa dịu được chứng mệt mỏi, đau nhức do hội chứng tiền kinh nguyệt gây nên.
Ghi chú: Khi quan hệ, người chồng thường đạt đến cực điểm trước người vợ, và việc này càng làm cho người vợ cảm thấy khó chịu, bực bội thêm.
Hãy chuẩn bị trước cho những quan hệ xã hội
Một người bị chứng khó ở tiền kinh kỳ thường có thể đánh mất nhiều thứ, từ quan hệ vợ chồng, tình cảm, quan hệ xã hội với bạn cùng sở cho đến những ký kết thương mại làm ăn lớn. Hãy chuẩn bị cho chính bạn và những người chung quanh bạn về chuyện này.
- Hãy nói rõ cho người thân như chồng, con hay những người sống chung nhà rằng bạn bị chứng khó ở, và xin lỗi họ trước trong trường hợp có sứt mẻ xảy ra. Khi mọi người đã biết và đã chấp nhận, bạn sẽ thấy rất dễ chịu với sự thông cảm của họ. Làm tương tự với các bạn đồng sở.
- Với các buổi họp, các công việc được giao phó hoặc những hiệp định ký kết làm ăn, tốt nhất bạn nên làm những việc này vào lúc tinh thần minh mẫn nhất. Đừng hành động gì trong lúc đầu óc bạn đang trống rỗng, mệt mỏi hay đang nổi cáu vì những triệu chứng khó ở tiền kinh kỳ... Nếu không thể tự kiềm chế được mình, tốt nhất là đừng làm.
Bạn có "thực như hổ" bao giờ chưa?
Có thể bạn chưa, nhưng có những người trong thời kỳ tiền kinh kỳ cảm thấy thèm đến chết được một ly kem, một tách chocolate hay một gói "chip" khoai tây... Và khi đã ăn xong, người đó lại cảm thấy có nhu cầu "dùng thêm" một ly thứ hai, một gói thứ ba... Cứ thế, có những người đã ăn hết vài... lít kem, hoặc vài... mươi gói "chip" trong 1-2 ngày trước kinh kỳ. Chuyện này thường thôi, không có gì phải mắc cỡ. Nhưng việc ăn nhiều này cần được hạn chế, càng ăn nhiều, cơ thể bạn càng nóng nảy, càng buồn chán và tệ hại nhất, có thể làm bạn càng ngày càng mập phì hơn.
Các thí nghiệm cho thấy, việc ăn nhiều trước kinh kỳ của phụ nữ thường gây nên do tác dụng của kích thích tố progesterone trên não bộ. Kích thích tố này thường tiết ra từ buồng trứng trong thời gian giữa hai kinh kỳ. Các phụ nữ thường có khuynh hướng ăn nhiều chất carbonhydrat, một số khác lại thích ăn chocolate...
Theo kinh nghiệm của các bác sĩ, mỗi khi bạn cảm thấy thèm ăn những thực phẩm trên, hãy nhét đầy bụng mình trái cây, xà lách, rau cải, cơn thèm ăn sẽ bớt hẳn đi.
Chứng thèm ăn này thường chỉ kéo dài vài ngày trong thời gian trước kinh kỳ thôi. Bạn nên theo dõi để biết nó là những ngày nào, và có sự chuẩn bị chu đáo hơn (như mua sẵn trái cây, hoặc đặt ra những kế hoạch làm cho mình bận rộn để quên sự thèm ăn đi).
Công dụng thần kỳ của các sinh tố
Ngoài những phương pháp nói trên, việc bồi bổ thêm với các sinh tố cũng có thể giúp bạn rất nhiều trong việc làm giảm bớt hoặc ngăn chặn các triệu chứng khó ở. Sinh tố A và D giúp bạn tránh bị nổi mụn. Sinh tố C giúp vượt qua sự lo lắng, buồn bực và những triệu chứng dị ứng như nhức đầu, sổ mũi... Sinh tố E có thể làm giảm sự căng thẳng, hồi hộp, lo nghĩ và chứng đau vú.
Sinh tố B6 có công dụng rất thần kỳ, nó làm giảm được phần lớn các triệu chứng khó ở như nóng giận thất thường, chợt vui chợt buồn, mệt mỏi, đuối sức, chứng sung phù, chứng đau vú. Nhưng nên nhớ rằng đây là một độc chất nếu uống quá nhiều. Hãy dùng đúng liều lượng ghi trên nhãn thuốc, và hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn uống nhiều hơn.
Các khoáng chất như canxi và magiê cũng giúp ích rất nhiều. Canxi giúp tránh khỏi chứng chuột rút trong kinh kỳ. Magiê giúp cơ thể tiêu thụ canxi, làm bớt thèm ăn và giảm bớt triệu chứng tính khí thay đổi bất thường.
Ngoài ra, có một sinh tố mà bạn chưa hề biết qua, tạm gọi là sinh tố "lạc quan". Sinh tố này khi vào cơ thể sẽ tác động lên bộ óc, khiến bạn hết cảm giác chán nản, buồn bã. Đây là một axít amin tên là L-Tyrosyne. Dùng một liều từ 1.000 đến 3.000 mg chất này vào buổi sáng mới thức dậy, sau đó chừng nửa tiếng, uống thêm một viên B-complex nữa, sẽ hết buồn ngay.
Ngoài ra, các hiệu thuốc tây cũng có bán thuốc viên gồm đủ loại sinh tố chuyên trị chứng khó ở này, thường gọi nôm na là balanced suplement for PMS hoặc PMS pills, được bày bán chung với các loại sinh tố.
--
Nguồn: vnexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.
Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.
Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.
Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net