Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Truy Tầm Ung Thư Cổ Tử Cung

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư đứng hàng thứ nhì mà phụ nữ Việt Nam ở Mỹ hay mắc phải. Bệnh này rất khó chữa nếu không được phát hiện sớm. Với những tiến bộ của y khoa hiện đại, bệnh này được chữa khỏi gần 100% các trường hợp nếu bệnh được phát hiện sớm. Vì vậy tất cả phụ nữ nên đi thử Pap mỗi năm một lần. Và sau 3 lần thử Pap với kết quả bình thường, bác sĩ có thể đề nghị đi thử Pap ít thường xuyên hơn. Thử Pap là một thử nghiệm đơn giản giúp phát hiện ung thư cổ tử cung sớm.

Truy Tầm Ung Thư Cổ Tử Cung: Những Điều Phụ Nữ Việt Nam Nên Biết

Thử PAP là gì?

Thử Pap là phương pháp thử nghiệm tế bào cổ tử cung và giúp phát hiện ung thư ngay từ lúc bệnh mới phát. Bác sĩ thử Pap khi khám phụ khoa:

Bác sĩ dùng một bàn chải nhỏ quẹt vào cổ tử cung để lấy tế bào, rồi gởi đi thử nghiệm để xem có bị ung thư cổ tử cung hay không. Cách thử nghiệm này rất đơn giản và không làm bệnh nhân bị đau. Nhờ thử nghiệm này mà 90-95% các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện sớm. (image)

Tại sao phải thử PAP?

Thử Pap để tìm ra ung thư cổ tử cung sớm. Gần 100% trường hợp ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện sớm. Phần đông những người chết vì ung thư cổ tử cung là vì họ chưa bao giờ đi thử Pap. Nếu những người đó đi thử Pap theo định kỳ, co thể họ sẽ không bị chết vì bệnh này.

Ai cần phải thử PAP?

Tất cả phu nữ 18 tuổi trở lên (hoặc trẻ hơn nếu đã từng giao hợp) cần phải đi thử Pap và khám phụ khoa mỗi năm một lần.

Thử PAP ở đâu?

Tại phòng khám bác sĩ gia đình.
Tại phòng khám bác sĩ chuyên về sản phụ khoa.
Tại chẩn y viện hay bệnh viên.

Thử PAP như thế nào?

Trước khi thử Pap bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng sức khỏe và kinh nguyệt của chị. Bác sĩ sẽ hỏi những câu như: Chị bắt đầu có kinh lúc mấy tuổi? Kinh nguyệt của chị có đều không? Bao nhiêu lâu chị mới có kinh một lần? Kinh nguyệt kéo dài bao lâu? Khi có kinh có đau bụng không? Ngày tháng nào chị có kinh lần chót? Chị cho bác sĩ biết càng nhiều chi tiết càng dễ chẩn bệnh. Xin chị đừng nghĩ rằng bác sĩ tò mò quá, làm chị mắc cỡ. Chị nhớ rằng đây la việc làm hàng ngày của bác sĩ va bác sĩ cần những chi tiết đó để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của chị.

Đến khi thử Pap:

Chị thay quần áo thường, choàng áo nhà thương vào. Rồi chị nằm xuống, để hai chân cao lên. Bac sĩ khám phần ngoài cơ quan sinh dục của chị để xem có gì bất thường không.

  • Khám âm đạo: Bác sĩ dùng dụng cụ khám phụ khoa gọi là mõ vịt đưa vào trong âm đạo để quan sát âm đạo và cổ tử cung.
  • Lấy tế bào: Rồi nhẹ nhàng dùng một bàn chải nhỏ quẹt vào cổ tử cung để lấy vài mẫu tế bào.
  • Thử nghiệm: Sau đó bác sĩ quẹt những tế bào này vào miếng kính nhỏ để gởi đi thử nghiệm.
  • Khám phụ khoa: Ngoài ra, bác sĩ còn khám cơ quan sinh dục của chị bằng cách cho hai ngón tay vào âm đạo, còn bàn tay kia ấn phần bụng dưới của chị để xem tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng có gì bất thường không. Thường thường phần khám này nhẹ nhàng, nhanh chóng, không gây đau đớn, nhưng một số người cảm thấy hơi khó chịu trong giây lát.

Thử PAP

Kết quả thử PAP

  • Kết quả bình thường
    Trong vài ngày, phòng thí nghiệm sẽ cho bác sĩ của chị biết về kết quả thử Pap. Nếu kết quả bình thường, bác sĩ có thể sẽ không thông báo cho chị biết. Kết quả bình thường có nghĩa là chị không bị bệnh ung thư cổ tử cung. Mặc dầu kết quả thử Pap bình thường, chị vẫn phải lấy hẹn thử Pap cho năm tới và nhớ giữ hẹn đó. Nếu sau 3 năm thử Pap với kết quả bình thường, bác sĩ của chị có thể đề nghị chị không cần phải đi thử Pap thường xuyên mỗi năm nữa.

  • Kết quả bất thường
    Nếu kết quả thử Pap bất thường, văn phòng bác sĩ sẽ thông báo cho chị biết ngay. Kết quả bất thường, không có nghĩa là chị đã bị ung thư cổ tử cung, mà có thể chỉ bị viêm hay nhiễm trùng cổ tử cung thôi. Nếu kết quả thử Pap bất thường, mà không phải do cổ tử cung bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ soi cổ tử cung (colposcopy) và lấy chút mô (biopsy tức là sinh thiết) ở cổ tử cung để thử nghiệm. Chị cần phải đi làm tất cả các thử nghiệm theo lời yêu cầu của bác sĩ, vì đó là những phương pháp để giúp bác sĩ phát hiện ung thư cổ tử cung sớm.

Phụ nữ nào có thể bị ung thư cổ tử cung?

Phụ nữ nào cũng có thể bị ung thư cổ tử cung. Nhưng những trường hợp dưới đây có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung:

  • Giao hợp dưới 16 tuổi.
  • Giao hợp với nhiều người khác nhau (hoặc tình nhân có nhiều bạn tình).
  • Bị nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục: ví dụ bị bệnh mụn cóc hoặc các bệnh truyền nhiễm khác qua đường tình dục.
  • Có tình nhân bị các bệnh kể trên.
  • Đã có lần đi thử Pap với kết quả bất thường.
  • Không đi thử Pap thường xuyên.
  • Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá của người khác.
  • Là phụ nữ Việt Nam, vì phụ nữ Việt Nam ở nước Mỹ bị ung thư cổ tử cung cao hơn so với các nhóm dân khác.

Triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung như thế nào?

Lúc đầu có thể không có dấu hiệu và triệu chứng gì cả. Sau đó có thể có những dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp
  • Kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường.
  • Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường.
  • Chảy máu âm đạo ngoài thời kỳ kinh nguyệt.
  • Phụ nữ đã tắt kinh bị ra máu âm đạo (mặc dù ra máu rất ít).
  • Đau phần bụng dưới (không liên hệ với kinh nguyệt).
  • Ra huyết trắng.

Khám bác sĩ đắt tiền quá làm sao trả nổi?

Nếu chị có bảo hiễm sức khỏe, bảo hiễm sẽ trả một phần phí tổn. Nếu chị hội đủ điều kiện của Medicaid, chị có thể khỏi phải trả tiền khám bác sĩ và thử Pap. Muốn biết thêm chi tiết về Medicaid, xin gọi cho văn phòng trợ giúp y tế gần nơi chị ở. Nếu chị 65 tuổi trở lên, Medicare sẽ trả phí tổn thử Pap mỗi 3 năm một lần. Muốn biết thêm chi tiết xin gọi số 1-800-MEDICARE (1-800-633-4227). Những phụ nữ có lợi tức thấp hay không có bảo hiễm sức khỏe, có thể đến những bệnh viện hay chẩn y viện để thử Pap và sẽ trả tiền tính theo lợi tức.

Phụ nữ 50 tuổi trở lên đã hết kinh và thỉnh thoảng mới giao hợp hoặc không có giao hợp, có cần thử Pap không?

Một số phụ nữ lớn tuổi từ chối khám phụ khoa và thử Pap và hay nói: "Tôi già rồi, hết kinh, thỉnh thoảng mới giao hợp hoặc không giao hợp, tôi nghĩ rằng tôi không bị bệnh." Nhưng theo tài liệu nghiên cứu, trong số những người chết vì ung thư cổ tử cung, 80% là những người 50 tuổi trở lên. Vì vậy, phụ nữ càng lớn tuổi càng cần đi thử Pap thường xuyên hơn.

Phụ nữ đã cắt bỏ tử cung rồi có cần thử Pap không?

Phụ nữ đã bị cắt bỏ hết tử cung nhất là phụ nữ bị ung thư cũng vẫn phải đi thử Pap thường xuyên và nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Phụ nữ còn trinh có thể thử PAP không?

Nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá của người khác có bị ung thư cổ tử cung không?

Phụ nữ hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá của người khác sẽ dễ bị ung thư cổ tử cung hơn.

"Bói ra ma, quét nhà ra rác" - Không có bệnh sao lại phải đi tìm bệnh?

"Tôi cũng đã nghĩ như vậy, do đó không đi thử Pap. Đến lúc tôi bị làm băng, đi bác sĩ thì đã muộn. Tôi bị mổ cắt bỏ tử cung và được hóa trị. Tôi khuyên các chị em nên đi thử Pap hàng năm, đừng để trể như tôi, vì bệnh ung thư lúc đầu không có triệu chứng. Chẳng thà mình mất thì giờ một chút mà mình yên tâm và sau này đỡ bị đau đớn."

Nếu bác sĩ không cho thử PAP mà mình lại ngại nhắc bác sĩ thì phải làm gì?

"Tôi đồng ý rằng đa số phụ nữ rất ngại khi muốn nhắc bác sĩ thử Pap cho mình. Vì phong tục tập quán, phụ nữ không quen nói về vấn đề sinh lý và bộ phận sinh dục, nhất là khi gặp bác sĩ đàn ông. Do đó, phải can đảm lắm mới nhắc bác sĩ cho thử Pap. Vì sức khỏe của mình, phụ nữ chúng ta đừng ngần ngại mà hãy yêu cầu bác sĩ cho thử Pap mỗi năm một lần."

Nếu không có triệu chứng gì, tại sao lại phải đi khám bác sĩ?

"Một số phụ nữ xó thể đã bị ung thư cổ tử cung rồi nhưng không hay biết, vì trong giai đoạn đầu ung thư cổ tử cung không có triệu chứng gì cả. Vì vậy, tôi khuyên phụ nữ nên lấy hẹn đi thử Pap mỗi năm một lần mặc dầu không có triệu chứng gì cả. Điều cần nên nhớ là nếu ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm thì sẽ được chữa khỏi gần 100% các trường hợp."

Thử PAP có đau không?

"Không. Vì trước khi thử Pap, bác sĩ dặn tôi đừng gồng người và tôi làm theo lời bác sĩ, vì vậy tôi không thấy khó chịu hay đau đớn gì cả."

Kết luận

Nếu muốn lo cho mình và bảo vệ hạnh phúc gia đình mình, phụ nữ phải giữ gìn sức khỏe. Mình có khỏe mạnh thì mình mới có đủ sức lo cho người khác được. Muốn được như vậy, phụ nữ phải đi khám sức khỏe tổng quát và thử Pap thường xuyên.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases