Tìm bài viết trong Giảng Đường Y Khoa

Say tàu xe

Say tàu xe




Ảnh: jupiterimages.com
Định nghĩa


Say tàu xe là một rối loạn rất thường gặp ở tai trong do những chuyển động liên tục như sóng biển ngoài khơi, chuyển động của xe hơi, chuyển động của máy bay khi đi vào luồng không khí mạnh, v.v..

Ở tai trong (còn được gọi là mê đạo), say tàu xe ảnh hưởng đến cảm giác thăng bằng và do đó là cảm giác định hướng về không gian.


Triệu chứng của say tàu xe


Triệu chứng của say tàu xe bao gồm buồn nôn, nôn, và chóng mặt. Các dấu hiệu thường gặp khác là toát mồ hôi và cảm giác khó chịu cũng như không được khỏe.


Say tàu xe và say sóng có điểm gì khác biệt?


Không có gì khác biệt giữa say tàu xe và và say sóng. Một số người bị buồn nôn và thậm chí là nôn ói khi đi máy bay, xe hơi hoặc những vòng đu quy giải trí trong công viên. Tình trạng này nói chung đều được gọi là say tàu xe. Rất nhiều người bị say tàu xe khi đi bằng thuyền. Hiện tượng này hay được gọi là say sóng cho dù bản chất cũng giống như trên. Cả hai đều cùng là một hiện tượng và sau này sẽ được gọi chung là tình trạng “say tàu xe”.


Nguyên nhân chủ yếu gây say tàu xe làsự kém thích ứng của tiền đình với sự thay đổi vị trí của cơ thể một cách không có quy tắc. Trong hoạt động hằng ngày, chúng ta quen đi lại trên mặt đất bằng, không quen với sự tròng trành. Sự thay đổi phương hướng và tốc độ vận động khác nhau đều gây kích thích không tốt cho cơ quan tiền đình ở tai trong. Sự kích thích này mạnh đến một mức nào đó sẽ làm cho một số người chịu không nổi, dẫn đến tình trạng váng đầu, buồn nôn và nôn.


Dưới sự chi phối của thần kinh trung ương, tiền đình điều tiết sự thăng bằng tư thế của cơ thể khi đi máy bay, tàu thuyền hoặc các loại xe cộ. Sự dao động tròng trành làm cho cơ thể thay đổi tư thế không có quy luật, kích thích cơ quan tiền đình của tai trong. Người thích ứng tốt thì không sao, nhưng với những người có cơ quan tiền đình quá mẫn cảm, kém thích ứng với sự thay đổi vị trí không có quy tắc, hiện tượng say tàu, say xe sẽ diễn ra.


Tuy nhiên, nhiều trường hợp say xe không phải do tiền đình mà do ăn quá no, quá đói, mệt mỏi, bực bội, mất ngủ, không khí ô nhiễm. Bạn cũng dễ say nếu mẫn cảm với các mùi đặc biệt như mùi xăng ôtô, khói thuốc lá, mùi các loại mồ hôi ở hành khách, mùi tàu xe lâu không được khử mùi.

Say tàu xe tác động lên cảm giác thăng bằng của chúng ta như thế nào?


Những triệu chứng của say tàu xe xảy ra khi hệ thần kinh trung ương nhận các thông tin đối nghịch nhau từ bốn hệ thống khác là tai trong, mắt, thụ thể áp lực và thụ thể cảm giác của khớp và cơ. Một ví dụ là hãy tưởng tượng chúng ta đi máy bay trong một cơn bão và máy bay bị đảo bởi luồng khí mạnh. Nhưng đôi mắt của bạn không phát hiện tất cả những chuyển động này vì bạn đang ở trong máy bay. Kết quả là não bạn nhận được những thông điệp không liên kết với nhau. Bạn có thể bị “say máy bay”. Một ví dụ khác là hãy cho rằng bạn đang ngồi dựa lựng và đọc sách trong xe hơi đang di chuyển. Tai trong và thụ thể ở da sẽ phát hiện những chuyển động của bạn trong khi mắt chỉ nhìn thấy những trang sách. Do đó, bạn có thể trở nên bị “say xe hơi”.


Một ví dụ nữa minh hoạ cho một tình trạng bệnh lý thực sự. Hãy tưởng tượng tai trong của bạn bị tổn thương một bệnh do chấn thương đầu hay nhiễm trùng. Sự tổn thương này không gửi những tín hiệu cho não giống như khi tai bình thường. Các tín hiệu xung đột về cảm giác xoay có thể dẫn đến cảm giác nhức đầu, quay cuồng cũng như buồn nôn.


Say tàu xe có phải là một tình trạng nghiêm trọng không?


Thường là không. Ở hầu hết mọi người thì đều không chú trọng nhiều đến hiện tượng say tàu xe (nhưng khi điều đó xảy ra thì cảm giác sẽ không dễ chịu chút nào). Tuy nhiên, say tàu xe có thể khiến một số người không thể đi du lịch được.


Khi nào buồn nôn và nôn ói do say tàu xe chấm dứt?


Những triệu chứng khó chịu của say tàu xe thường chấm dứt khi chuyển động gây ra nó chấm dứt. Tuy nhiên điều này không phải luôn luôn đúng. Các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày sau chuyến đi ở một số người. Hiện tượng này được gọi là hội chứng “bệnh lí trên tàu xe” hay chính xác hơn là hội chứng “rối loạn sau khi xuống xe”.


Có phương pháp nào để ngăn chặn hay hạn chế tối thiểu say tàu xe không?


Nếu bạn biết rằng mình dễ bị hay đang bị say tàu xe, chúng tôi có những lời khuyên sau:


Luôn di chuyển đến những nơi mà mắt có thể quan sát thấy các chuyển động mà cơ thể và tai trong bạn cảm nhận thấy.


Nếu ở trong xe hơi, hãy ngồi hàng ghế trước và nhìn về những cảnh vật ở xa.


Nếu ở trên tàu, hãy đi lên bong và nhìn về đường chân trời.


Nếu ở trên máy bay, ngồi gần cửa sổ và nhìn ra ngoài.


Ngoài ra, nếu ở trên máy bay, bạn cũng có thể ngồi ở vị trí cánh máy bay vì nơi đó ít chuyển động nhất.


Đừng đọc bất cứ gì khi đang di chuyển nếu bạn là người dễ bị say tàu xe cũng như đừng ngã ghế về sau.


Đừng nhìn hay nói chuyện với người đồng hành đang bị say tàu xe.


Tránh các mùi nồng cũng như các loại thực phẩm nhiều gia vị hay mỡ mà bạn không thích (ngay trước và trong chuyến đi). Các nghiên cứu y khoa vẫn chưa khảo sát hiệu quả của những phương pháp dân gian như “bis-qui soda và 7 Up”, hay “nước xirô cola pha đá”.


Sử dụng thuốc chống say tàu xe theo bác sĩ trước khi lên xe.


Cách điều trị say tàu xe


Những người dễ bị nôn, say tàu xe thường tự ý mua dùng thuốc chống nôn để uống khi cần sử dụng các phương tiện giao thông này. Đã có không ít trường hợp tai biến xảy ra, nhất là với trẻ em và người vốn có kèm bệnh khác.


Các nhóm thuốc thường dùng gồm:


Nhóm kháng cholinergic, kháng histamin


Phân nhóm kháng cholinergic: Khi bị cường phó giao cảm, cơ trơn sẽ co thắt, nhu động và vận động tiêu hóa mạnh lên, dịch tiết tiêu hóa tăng gây nôn, say. Thuốc kháng cholinergic chống lại hiện tượng này; thường dùng scopolamin (biệt dược uống là Aeron, biệt dược dán trên da là Transderms scop).


Tác dụng phụ hay gặp: khô miệng, buồn ngủ, mất định hướng (không dùng khi điều khiển máy móc); ít gặp hơn là lú lẫn, khó tiểu, hội chứng cai thuốc (nếu dùng miếng dán trên 3 ngày). Không nên dùng miếng dán cho trẻ em.


Phân nhóm kháng histamin: Histamin tiết ra quá mức sẽ gây say, nôn. Có thể dùng các kháng histamin để chống lại. Thuộc nhóm này có:


- Meclizine (biệt dược: Antivert, Dramamine less drowsy):Dùng chống say tàu xe. Tác dụng phụ: buồn ngủ, khô miệng, nhìn mờ, táo bón, trầm dịu, rối loạn tâm thần. Không dùng cho trẻ em.


- Diphenylhydramin (biệt dược tiêm: Benadrylinjection, biệt dược uống: Nautamine). Loại biệt dược tiêm dùng chống nôn, say tàu xe, phụ trị các rối loạn dị ứng không thể dùng được bằng đường uống và một số bệnh khác. Loại biệt dược uống giúp dự phòng, điều trị nôn mửa. Cả hai loại đều không dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng.


Cả 2 phân nhóm kể trên đều làm tăng nhãn áp (không dùng cho người glaucome góc hẹp), làm tăng tác dụng các thuốc gây ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kháng histamin, các thuốc kháng cholinergic khác (nên khi dùng thuốc không được uống rượu, dùng chung với các loại thuốc trên). Thuốc được chuyển hóa ở gan, thận (nên thận trọng với người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người già). Không nên dùng cho người có thai, đang cho con bú, người bị nghẽn đường dạ dày niệu. Thận trọng: khi bị bệnh hen suyễn, các rối loạn đường hô hấp dưới, cường tuyến giáp, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, nghẽn dạ dày ruột, đường niệu.


Các thuốc trên muốn có hiệu quả chống nôn, say thì phải uống trước khi lên tàu xe khoảng 30-60 phút. Nếu cuộc hành trình kéo dài, phải uống nhắc lại.


Nhóm điều chỉnh rối loạn chức năng tiêu hóa


Thuốc ngăn chặn dopamin ngoại biên, làm thay đổi chức năng dạ dày ruột nên có tính chống nôn. Thường dùng:

Domperidone: Biệt dược là Motilium, Peridys, dưới dạng viên nén, thuốc cốm sủi bọt (dành cho người lớn), hỗn dịch uống (dành cho trẻ em, trẻ còn bú). Dùng trị chứng buồn nôn và nôn, đặc biệt là sau phẫu thuật, các chứng gan - tiêu hóa sau khi dùng thuốc chống ung thư, dự phòng buồn nôn và nôn sau khi thẩm phân lọc máu, nôn do liên hệ tới rối loạn vận động tiêu hóa. Chống chỉ định: Có tiền sử vận động muộn sau dùng thuốc hoặc khi có nguy cơ kích thích vận động dạ dày ruột sẽ gây nguy hiểm (xuất huyết dạ dày ruột, nghẽn cơ học, thủng tiêu hóa).


Thuốc không đi qua hàng rào máu não nên không gây tác dụng phụ ở trung tâm. Vì thuốc chuyển hóa qua gan thận nên phải hết sức thận trọng khi dùng cho người suy gan, thận. Dùng cho người suy thận thì phải giảm liều 30-50%, chia liều dùng mỗi ngày hai lần. Gần đây, người ta phát hiện thấy domperidon gây hiện tượng xoắn đỉnh (có thể gây đột tử) nhất là khi dùng chung với một số thuốc (như erythromycin, clarithromycin).


Metoclopramide: Chống nôn mạnh, có loại chỉ dùng cho người lớn (như biệt dược: Gastrobid 15 mg), có loại thuốc giọt (dành cho trẻ sơ sinh), có loại thuốc đạn (dành cho trẻ em).


Nhóm thuốc chống nôn mạnh có tính gây nghiện


Thuốc chống nôn mạnh dẫn chất từ canabinoid của cần sa. Thường dùng là Dronabinol (còn có biệt dược Marinol); dùng trong buồn nôn và nôn mửa do thuốc trị ung thư. Thận trọng với người có tiền sử nghiện, bệnh tim, rối loạn tâm thần, trẻ em, người già, người có thai, cho con bú. Khi dùng không uống rượu. Thuốc có nhiều phản ứng phụ: gây ảo giác, hoang tưởng, trầm cảm, ưu tư, dị cảm, mất điều hòa vận động, nhịp tim nhanh, giãn mạch, hạ huyết áp thế đứng.


Dược thảo có tính chống nôn, chống say tàu xe


1.000 mg gừng khô có tác dụng chống nôn như 10 mg metoclopramide. 940 mg bột gừng khô có tác dụng chống say tàu xe tốt hơn 100 mg dramamine nhưng không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Các thí nghiệm này do các nhà khoa học Anh, Mỹ công bố trên các tạp chí khoa học.


Một vài điểm lưu ý khi dùng thuốc


Người không có bệnh gì có thể dùng thuốc uống nhóm thuốc thứ nhất. Nhưng với người có tiền sử bệnh tật (ví dụ như bị glaucome góc đóng) thì ngay với nhóm thuốc này cũng phải rất cẩn thận, đặc biệt là thuốc dạng tiêm hay cao dán, bắt buộc phải có sự chỉ dẫn giám sát của thầy thuốc (tuy các thuốc này không phải thuốc diện cần mua bán theo đơn).


Với nhóm thuốc thứ hai, nhất thiết phải có chỉ dẫn của thầy thuốc vì cơ chế tác dụng của thuốc có liên quan đến việc ngăn chặn việc sản xuất chất dopamin.


Nên dùng gừng trong chống nôn, say tàu xe vì có tác dụng không kém so với thuốc hóa dược, không có tác dụng phụ, dùng được cho người có thai.


Hạn chế dùng nhóm thuốc chống nôn gây nghiện.


Lưu ý không dùng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ mới sinh những thuốc đã cấm, ngay với những thuốc không cấm như domperidone cũng phải rất cẩn thận.



(suckhoe360.com)

Nhận xét :
- Những người dễ bị say xe nếu ăn no,thức ăn khó tiêu trước khi đi dễ gây say,buồn nôn và nôn; mất ngủ trước chuyến đi dài có thể gây đau đầu,mệt mỏi,gây say hoặc làm nặng triệu chứng
- Trước khi đi nên ăn nhẹ, với thức ăn dễ tiêu hoá.
- Nhiều người nhạy cảm với mùi như mùi xăng hay ngay cả mùi điều hoà (nhất là xe nhỏ),mùi thuốc lá cũng là tác nhân đáng chú ý.
- Khi thấy người khác say hoặc nôn, nhiều người sẽ cảm thấy say nặng hơn.
- Đi xe nhiều chỗ và cao hơn thấy gây say hơn xe nhỏ.
- Đọc sách báo trong khi di chuyển sẽ gây say hoặc làm say nặng hơn,nếu bạn là người dễ say,đừng cúi đầu hoặc xoay cổ nhanh, hãy giữ một tầm nhìn xa và giữ thẳng đầu.
- Ngồi ghế trước sẽ đỡ say hơn.
- Mở cửa thông khí tạo cảm giác dễ chịu hơn, nếu trời mát sẽ ít bị hơn khi trời nóng.
- Dùng Stugeron có tác dụng khá tốt, làm giảm đâu đầu,cảm giác chóng mặt và buồn nôn và nôn, có thể dùng trước khi đi nửa giờ 1/2 viên, hay cả trước khi ngủ hôm trước 1/2 viên,thuốc thường gây cảm giác buồn ngủ, nhưng ngủ được cũng sẽ làm hành trình của bạn ít mệt mỏi hơn và đỡ say.

(F.O.G)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có ý kiến, tư liệu hoặc thông tin hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.

Xin lưu ý bạn, các nhận xét không có tinh thần góp ý xây dựng hay giúp đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải là thành viên của Google Blogger hay các mạng được liệt kê phía dưới mới được nhận xét, hãy sử dụng anonymous (Ẩn danh) nếu bạn không muốn để lại thông tin cá nhân của mình.

Nội dung gõ bằng tiếng Việt có dấu rõ ràng sẽ dễ chiếm thiện cảm hơn cả.
giangduongykhoa.net

Thống kê truy cập

Locations of visitors to this page

MedicineNet Daily News

Medscape Medical News Headlines

WebMD Health

National Institutes of Health (NIH) News Releases